Xuất khẩu vào EU tiếp tục phát huy lợi thế trong năm 2022
Gói hỗ trợ kinh tế cần triển khai cụ thể để thực thi hiệu quả / IHS Markit ghi nhận động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam trong năm 2022
Năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) được nhận định sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2021, do các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Trong khi đó, sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, cả Việt Nam và EU đang thích ứng ngày càng tốt hơn với dịch bệnh, cùng đẩy nhanh quá trình tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, người tiêu dùng tại EU ngày càng quan tâm và có xu hướng gia tăng tiêu thụ các loại trái cây nhiệt đới, nhất là những loại tốt cho sức khỏe và có hương vị mới. Những sở thích của người tiêu dùng EU đối với hoa quả, trái cây của Việt Nam miền đất nhiệt đới phong phú đa dạng các nông sản đang tạo ra nhiều cơ hội lớn để các DN chinh phục thị trường này.
“Các loại trái cây nhập khẩu vào EU đều phải đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng được tươi, ngon và chất lượng… Các DN cần đẩy mạnh xuất khẩu trái cây hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn về sạch cũng như đầy đủ xuất xứ, chỉ dẫn địa lý. Việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật là yêu cầu tuyệt đối phải được thực thi”, thương vụ Việt Nam tại Bỉ khuyến cáo.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới. Với Việt Nam, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của mặt hàng nông sản, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Nhưng hiện nay, nông sản Việt mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, riêng gạo chỉ chiếm hơn 1% thị phần.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng EU. Việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An…
Theo Bộ Công Thương, năm 2022, bên cạnh những yếu tố thuận lợi khi cácnước trong khu vực EU đã từng bước phục hồi và đang có những động lực mạnh mẽ để quay trở lại quỹ đạo ổn định trước đại dịch, xuất khẩu Việt Nam sang khu vực sẽ gặp phải những trở lực nhất định. Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn biến chuyển phức tạp, yêu cầu ngày càng cao của thị trường EU về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm; Rủi ro khả năng điều tra và áp thuế chống bán phá giá, nhiều quốc gia xuất khẩu tiếp tục gây sức ép cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường EU vẫn còn một số hạn chế như chưa chú trọng phát triển các thị trường có quy mô nhỏ, thị trường mới có mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao; hoạt động của thương vụ tại một số địa bàn chưa đạt hiệu quả như mong đợi; trong khi đó nhiều mặt hàng của Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU đặt ra từ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc đến các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững… dẫn đến khó khăn cho DN khi tiếp cận sâu hơn vào thị trường này.
Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoài An cho rằng, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp duy trì và phát triển thị trường EU. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đối với các thị trường chủ chốt, thị trường truyền thống và đẩy mạnh việc phát triển các thị trường ngách, thị trường tiềm năng. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN khai thác tốt thị trường theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và từng ngành hàng.
“Việc hỗ trợ cần tập trung vào những điểm còn hạn chế của DN Việt Nam hiện nay như thông tin thị trường; khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu… Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ “Đề án hỗ trợ DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối ở ngoài nước” cũng như tận dụng nguồn lực các chuyên gia nước ngoài và các DN kiều bào. Cùng với đó cần hỗ trợ DN Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và từng bước xây dựng thương hiệu của mình”, Thứ trưởng Đặng Hoài An chỉ rõ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 với khu vực EU đạt khoảng 72 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 50,33 tỷ USD tăng 14,3%; nhập khẩu đạt 21,67 tỷ USD tăng 15%. Riêng thị trường các nước EU đóng góp thặng dư thương mại gần 29 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo