Xuất siêu tăng kỉ lục chưa phải là dấu hiệu đáng mừng
Đường nội tìm cách nâng 'sức đề kháng' / Điện mặt trời phát triển nhanh và cục bộ đang gây khó cho truyền tải
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan,tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 336,92 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019.
Như vậy, tính chung trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại xuất siêu gần 13,5 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD). Con số 13,5 tỷ USD có thể nói là mức xuất siêu kỷ lục của Việt Nam, vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019.
Trong khi đó, con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của năm 2019 đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, xuất siêu đáng lo hơn đáng mừng, xuất siêu càng nhiều nỗi lo càng lớn.
Theo nhận xét của TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây luôn xuất siêu, đây là điều đáng mừng bởi sẽ giúp nước ta gia tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, với riêng con số xuất siêu trong 8 tháng năm 2020 lại có điểm đáng lo ngại, khi xuất siêu tăng không phải xuất phát từ kim ngạch xuất khẩu tăng mà lại do nhập khẩu giảm nhiều.
“Nhập khẩu của Việt Nam tới 90% là tư liệu sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Do đó, giảm nhập khẩu đồng nghĩa với việc giảm nhập tư liệu sản xuất, mà giảm nhập tư liệu sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai, nên đây chính là điểm đáng lo”, TS. Lê Quốc Phương quan ngại và lưu ý: Xuất siêu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lớn, tới hơn 10 tỷ USD.
Nhìn nhận về con số xuất siêu 8 tháng qua, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng đã cảm thấy không hài lòng, bởi chỉ trong 8 tháng, con số xuất siêu đã vượt cả các năm trước nghe có vẻ là tích cực nhưng đây chính là tín hiệu không vui, điều này chứng tỏ nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất của Việt Nam hiện tại đang gặp khó khăn.
“Từ trước đến nay, nhập khẩu chủ yếu là nhập yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất. Năm nay, Việt Nam không nhập được nguyên liệu do hai nguyên nhân. Thứ nhất là không có đơn hàng xuất khẩu nên không nhập. Thứ hai là khi có đơn hàng xuất khẩu thì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu lại bị đứt gãy nên không nhập được”, vị chuyên gia này phân tích.
Cũng theo chuyên gia Phạm Tất Thắng, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ từ trước để xuất khẩu, nguồn nhập khẩu nguyên liệu cho giai đoạn sau vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính từ yếu tố này đã dẫn tới câu chuyện Việt Nam chỉ có xuất khẩu mà không có nhập khẩu.
Trong khi đó, xuất siêu thời gian qua chủ yếu vẫn do doanh nghiệp FDI nhờ họ giữ được đơn hàng, tổ chức được nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Tuy các doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng mức độ đứt gãy nguồn cung không lớn như các doanh nghiệp Việt Nam. “Điều này một lần nữa nói lên việc tổ chức các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững là đặc biệt quan trọng”, chuyên gia Phạm Tất Thắng nói.
Đánh giá kỹ hơn về con số xuất siêu của Việt Nam trong 8 tháng qua, chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng lưu ý, muốn đánh giá số liệu xuất siêu là tích cực hay không cần phải chú ý đến cả tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng kim ngạch nhập khẩu. Cụ thể như trong 8 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm khác nhau. Điều này có thể thấy nhập siêu 8 tháng năm 2020 là do nhập khẩu giảm quá nhanh mà không phải do xuất khẩu tăng mạnh.
“Chính vì thế, nếu số liệu nhập khẩu giảm là do lượng máy móc, nguyên vật liệu giảm thì con số xuất siêu như vậy không phải là điều đáng mừng. Nhập khẩu giảm có thể do doanh nghiệp đang đánh giá thấp khả năng xuất khẩu tiếp. Điều này dẫn đến nguy cơ khả năng phục hồi kinh tế sau dịch càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, về mặt tài chính, thặng dư thương mại lớn sẽ giúp đất nước có thêm nguồn ngoại tệ để ổn định tỷ giá”, ông Trần Toàn Thắng lý giải.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm 2020 của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với quý II/2020, đặc biệt là sau khi nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 8/2020, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ tạo cơ hội tốt cho công tác xuất khẩu các tháng cuối năm. Khi dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA đã được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới