Thị trường

Yên Bái: Trồng cây, thả cá mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng

Ở thôn Thác Cái, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông Trần Xuân Lan được đánh giá là mô hình hiệu quả với tổng mức thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Tiền Giang: 'Đổi đời' nhờ bưởi da xanh / Trà Vinh: Chuyển đổi cây trồng thích nghi với thời tiết mang lại hiệu quả cho người dân

Ông Trần Xuân Lan có đam mê làm kinh tế, nên từ khi còn công tác ông đã dành thời gian tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu ở các địa phương.

Ông Lan cho biết: "Hàng tháng, hàng năm cứ được đồng nào tôi lại dồn hết vào để thuê người đào ao thả cá, rồi trồng rừng, cứ có đến đâu làm đến đó chả dám vay mượn bởi các con vẫn đang tuổi ăn học. Mình làm ăn manh mún không chuyên tâm sợ không trả nổi".

Nhờ chăm chỉ và biết cách tính toán, những đồi cây của gia đình đến kỳ thu hoạch và cho nguồn thu cả trăm triệu đồng. Có thêm đồng vốn, ông lại tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô phát triển kinh tế. Năm 2015, khi về nghỉ hưu ông mới thật sự có thời gian để chuyên tâm phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ nuôi cá, mỗi năm ông Lan thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Nhờ nuôi cá, mỗi năm ông Lan thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Những đồng vốn tích góp được, ông đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, với quyết tâm chăn nuôi bài bản, ông đã đầu tư gần nửa tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại, lắp hệ thống quạt thông gió, làm hệ thống biogas và nuôi 15 lợn nái để tự chủ con giống phục vụ. Một khu ông để nuôi lợn nái, khu khác ông nuôi lợn thịt, cứ đàn này xuất chuồng ông lại có đàn lợn khác để nuôi tiếp, bình quân mỗi năm ông xuất bán hơn 10 tấn lợn.

Ông cho biết thêm: "Lúc chăn nuôi nhỏ lẻ thì đơn giản, nhưng khi tập trung chăn nuôi quy mô lớn, tôi phải nhờ hẳn một cán bộ thú y của xã đến giúp đỡ rồi tự mình tham gia các lớp tập huấn về thú y để biết cách phòng trị bệnh. Sợ nhất là thời điểm đầu năm, khi thời tiết chuyển mùa lợn dễ mắc bệnh nên mình phải thật chú trọng không thì dễ thất bại”.

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã làm đàn lợn của ông phải tiêu hủy hoàn toàn, thiệt hại tới gần 300 triệu đồng, việc chăn nuôi cũng bị đình trệ.

Vốn là người năng động, ông tập trung sang nuôi cá, trồng cây ăn quả. Sẵn có nguồn nước, ông thuê người đào thêm ao, bình quân 2 ao cá với diện tích gần 5.000 m2 mỗi năm ông cũng xuất bán hơn 8 tấn cá, trừ chi phí cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng.

 

Chia sẻ của ông, nếu chuyên tâm vào nuôi cá với diện tích ao như thế này bình thường mỗi năm cũng có thể thu lãi tới 200 triệu đồng bởi đầu ra cho cá rất dễ, quan trọng là có nguồn nước ra vào thì chất lượng cá thịt sẽ ngon hơn.

Không dừng lại ở đó, với diện tích hơn 3 ha đồi rừng, ông lại tiếp tục đầu tư trồng quế, rồi chuẩn bị tái đàn để chăn nuôi. Còn sức và còn niềm đam mê thì nhất định không buông xuôi, xuất phát từ những suy nghĩ ấy, ông đã nỗ lực không ngừng để cùng với địa phương thực hiện thành công mục tiêu năm 2020 phấn đấu hoàn thành và ra mắt xã nông thôn mới nâng cao.

Không chỉ biết làm giàu cho mình, những hộ dân trong thôn, trong xã có nhu cầu về vốn, giống ông đều tận tình giúp đỡ, bởi theo ông, giúp thêm được nhiều người vươn lên thoát nghèo sẽ giúp cho thôn, cho xã ngày thêm giàu mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm