Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lao đao vì đòn trừng phạt của Nga

(DNVN) - Sau vụ bắn hạ máy bay cường kích Su-24, Nga đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trả đũa hành động này. Đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thấy được những hậu quả đầu tiên.

Theo tin tức từ VTV.vn, sau sự vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga ngày 24/11, quan hệ hai bên đã trở nên cực kỳ căng thẳng. Theo đó, nhằm đáp trả hành động bắn rơi máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ, Moskva đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt Ankara.

Cụ thể, chỉ 1 ngày sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Soigu đã lệnh điều động các hệ thống phòng không S-400 tới Syria để đảm bảo an toàn cho lực lượng Nga, bên cạnh việc áp dụng biện pháp hộ tống máy bay ném bom bằng các máy bay tiêm kích.

Chiếc Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

2 ngày sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, ngày 26/11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đình chỉ tất cả các hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Nga và lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả các đường dây nóng được hai nước thiết lập nhằm chống khủng bố tại Syria.

Về mặt ngoại giao, Nga ra quyết định hủy chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1/1/2016. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga, quyết định xuất phát từ nguy cơ khủng bố ngày càng tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ và điều này trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia Nga. Quyết định này của Nga có thể làm cho các công ty xây dựng và du lịch Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt hại nặng nề.

Về mặt thương mại, căng thẳng quan hệ hai bên thể hiện rõ khi Nga bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm tra kiểm dịch thực phẩm và nông sản nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ, khi có tới 20% số rau và thực phẩm nhập khẩu của Nga đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, với giá trị nhập khẩu trên 1 tỉ USD.

Gia tăng các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 3/12, Nga tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Nam Âu mang tên "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".

Ngày 3/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được tổ chức ở thủ đô Belgrade của Serbia. Tuy nhiên, cuộc gặp chỉ dừng ở mức độ hai bên cùng mong muốn không làm leo thang căng thẳng quan hệ song phương, không đạt được bước đột phá nào.

 

Theo tin tức từ báo Infonet, các lệnh cấm vận của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa cho vụ Su-24 bị bắn hạ được đánh giá là sẽ có những tác động tiêu cực khá lớn đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nước này đã bắt đầu cảm nhận được những hậu quả đầu tiên.

Theo đó, các lệnh cấm vận kinh tế của Nga chống Thổ Nhỹ Kỳ khiến các công ty thời trang nổi tiếng như Zara, Mango và H&M đang cân nhắc khả năng chuyển việc sản xuất quần áo từ Thổ Nhĩ Kỳ sang các quốc gia khác.

Theo kênh truyền hình T24 của Thổ Nhĩ Kỳ, các công ty này đã yêu cầu các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ phải gỡ bỏ mác ghi dòng chữ “Made in Turkey” (Sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ). Ngoài ra, các công ty này còn có dự định sẽ chuyển việc sản xuất các loại hàng hóa dành cho thị trường Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ sang các nước khác và sau đó thậm chí còn lên kế hoạch rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, theo các phương tiện truyền thông, trong 1-2 tuần tới, chính quyền Nga có thể sẽ thông qua một nghị định mới về việc mở rộng các lệnh cấm vận chống Thổ Nhĩ Kỳ. Các lệnh cấm vận kinh tế hiện Nga đang áp dụng đã liên quan đến khá nhiều lĩnh vực kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nên đọc
HÒA HẬU (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo