Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ "giận tím mặt" vì binh sĩ Nga vác súng "khiêu khích"

(DNVN) - Trước hành động của binh sĩ Nga vác súng phóng rocket đứng ở vị trí chiến đấu trên tàu chiến khi đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ, người Thổ "giận tím mặt" và đe dọa đáp trả.

Tin tức trên báo Tiền phong, Ankara cho biết, sẽ có hành động đáp trả cần thiết nếu thấy rằng, việc binh sĩ Nga vác súng phóng rocket đứng trên tàu chiến khi đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ là một mối đe dọa đối với nước này.

Hãng Lenta sáng nay 7/12 dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu, cho biết hành động một binh sĩ Nga vác súng phóng rocket trên tàu chiến khi đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/12 là hành động "khiêu khích".

Binh sĩ Nga vác vai một khẩu súng phóng rocket khi chiến hạm Ceasar Kunikov của Nga đi qua eo biển Bosphorus khiến người Thổ nổi giận. Ảnh NTV.

“Tàu chiến Nga phô bày súng phóng rocket hay một thứ vũ khí gì đó trên tàu chiến khi đi qua eo biển Bosphorus thì đều là hành động khiêu khích", Ngoại trưởng Cavusoglu nói, đồng thời khẳng định, Ankara sẽ có hành động đáp trả cần thiết nếu thấy rằng, hành động trên là một mối đe dọa đối với nước này.

Trước đó, kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ công bố nhiều ảnh về một thủy thủ đặt súng phóng rocket trên vai khi anh đứng trên boong của tàu đổ bộ Ceasar Kunikov lúc nó di chuyển qua eo biển Bosphorus (cắt ngang thành phố Istabul) hôm 5/12. Giới truyền thông tin rằng tàu đang tới Syria. Báo Zing news thông tin.

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống mức rất thấp từ khi chiến đấu cơ F-16 của Ankara diệt một phi cơ Su-24 của Nga hôm 24/11. Đây là lần đầu tiên một nước thành viên NATO hạ máy bay Nga sau hơn nửa thế kỷ.

"Việc một binh sĩ Nga khoe súng phóng tên lửa hay một vũ khí tương tự trên tàu chiến khi đi qua Thổ Nhĩ Kỳ là hành vi gây hấn", trang tin Hurriyet dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.

Eo biển Bosphorus là nơi duy nhất Hạm đội Biển Đen của Nga có thể vượt qua để tới các vùng biển trên thế giới. Một hiệp ước từ Thế chiến thứ nhất buộc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép mọi tàu qua eo biển Bosphorus trong thời bình.

 

Bất chấp sự khác biệt về quan điểm đối với nội chiến ở Syria, Ankara coi Moscow là đối tác chiến lược vì Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng từ khi Thổ Nhĩ Kỳ hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga, Moscow áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo