Quốc tế

Thỗ Nhĩ Kỳ sẵn sàng "thách thức" Nga sau vụ bắn hạ SU-24

(DNVN) - Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ở khu vực biên giới với Syria là điều sẽ đến trong mối quan hệ Nga - Thổ. Điều này cho thấy người Thổ sẵn sàng thách thức Nga sau vụ bắn hạ SU-24.

Tin tức trên báo Vnexpress, ngày 24/11, ngay sau khi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 của Nga khiến một phi công thiệt mạng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định trên truyền hình rằng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tuân thủ quy ước giao chiến khi phóng tên lửa hạ chiếc máy bay "vi phạm không phận", theo Reuters.

Vụ bắn rơi máy bay SU -24 Nga đang gây ra mối căng thẳng nghiêm trọng giữa Moscow và Ankara.

"Bất chấp việc đã được cảnh báo tới 10 lần, chiếc chiến đấu cơ vẫn vi phạm vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ và bị F-16 của chúng tôi bắn hạ theo quy ước giao chiến. Mọi người phải tôn trọng quyền bảo về biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nhấn mạnh.

Theo phân tích trên báo Thanh niên, với một nhà lãnh đạo cá tính cương cường như Tổng thống Erdogan, đây là điều không thể chấp nhận. Rõ ràng vụ bắn hạ chiến đấu cơ Nga không phải là một sự cố mà được thực hiện dưới chỉ thị từ cấp lãnh đạo cao nhất ở Ankara. 

Và nguyên do chắc chắn không phải là vài giây bay vào không phận của chiến đấu cơ Nga, như báo chí Nga đã trích lại phát biểu của Tổng thống Erdogan vào năm 2012 khi Syria bắn hạ một chiến đấu cơ F-4 của Thổ: “Một sự vi phạm biên giới thoáng qua không phải là cái cớ để tấn công”.

Vụ bắn hạ là một thông điệp mà ông Erdogan muốn gửi đến Moscow, là một cuộc nắn gân được đẩy lên một tầm mức mới, trước những vụ việc được Ankara xem là sự khiêu khích và làm bẽ mặt người Thổ. 

Vụ bắn hạ cho thấy Ankara sẵn sàng hành động và gánh nhận hậu quả nếu những cảnh báo của họ bị phớt lờ. Nó không đơn giản là biểu hiện của sự xung đột lợi ích và tầm ảnh hưởng mà còn là câu chuyện đối đầu của hai nhà lãnh đạo cứng rắn và rất xem trọng vấn đề thể diện.

 

Syria đã trở nên một chiến trường hỗn loạn, nơi các cường quốc khu vực và thế giới chen vai thích cánh can thiệp trực tiếp hoặc thông qua các nhóm ủy nhiệm. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những lợi ích hoàn toàn đối lập.

Nga hậu thuẫn chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, còn Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu ý định muốn hạ bệ nhà lãnh đạo này để lập nên một chế độ thân Ankara thông các nhóm nổi dậy mà họ chống lưng.

Trong một diễn biến liên quan về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiết SU-24 của Nga, ngày 25/11 dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại một hội nghị kinh tế quốc tế đang diễn ra ở Istanbul, cho biết, Ankara nhận được thông báo F-16 của không quân nước này bắn hạ một máy bay chiến đấu 'không rõ nguồn gốc' trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Báo Tiền phong thông tin.

Thậm chí, Ankara chỉ biết thông tin về chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị bắn hạ sau tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga. “Thực tế là, chúng tôi chỉ biết chiếc máy bay thuộc về không quân Nga sau khi giới chức nước này ra tuyên bố”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói.

Trong một bức thư được Thổ Nhĩ Kỳ gửi lên Liên Hợp Quốc, người ta đã phát hiện ra rằng 2 chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của Nga chỉ “vi phạm không phận” Thổ Nhĩ Kỳ trong đúng 17 giây (trong khi phía Nga vẫn kiên quyết bác bỏ), trước khi một chiếc bị bắn rơi. Báo An ninh thủ đô thông tin.

 

Trong khi đó, phía Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc như vậy, với lời khẳng định có đầy đủ bằng chứng cho thấy các máy bay Nga di chuyển hợp pháp trong không phận Syria để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố.

Mặc dù hậu quả không thể lường được của một cuộc đối đầu toàn diện sẽ khiến hai phía không khai chiến, cuộc chiến ủy nhiệm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chắc chắn sẽ leo thang nghiêm trọng. 

Với Tổng thống Putin, cái chết của các phi công Su-24 và một lính thủy Nga tham gia cứu nạn càng khiến ông khó lòng thoái lui, đặc biệt sau khi đưa ra những tuyên bố về hậu quả nghiêm trọng.Vấn đề thể diện của cả hai chính là điều nguy hiểm nhất đối với tình hình hiện nay. 

Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo