Thời của gia sư
Chị Nguyễn Thị Hiền, một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy - Hà Nội, cho hay 2 tuần nay, chị vất vả nhờ các trung tâm gia sư tìm một sinh viên giỏi kèm cặp cho cậu con trai đang học lớp 4 của mình.
“Lớp học tới 60 học sinh, cô giáo không thể nào kèm cặp được tất cả nên nhiều kiến thức cháu còn lơ mơ, nếu không học thêm để củng cố thì khó theo kịp bạn bè. Trước đây, có lớp học thêm còn đỡ, giờ thì các cô không được dạy thêm, tối về phải kèm con học rất mệt nên tôi quyết định tìm gia sư để đỡ đần” - chị Hiền cho biết lý do đi tìm gia sư của mình.
Trường chuyên, lớp chọn không bằng học thêm!
Anh Phạm Hồng, sống tại quận Đống Đa - Hà Nội, cho biết dù cậu con trai mới học lớp 3, anh cũng phải tìm một gia sư kèm cặp. Đặc biệt, gia sư anh tìm không phải là sinh viên mà là một cô giáo tiểu học. “Bây giờ, bố mẹ nào cũng muốn cho con vào trường chuyên lớp chọn, trong khi chương trình cơ bản thì tương đối vừa phải. Nếu không học thêm để nâng cao thì các cháu không thể thi vào được những trường tốt, thậm chí chỉ là lớp tốt trong các trường bình thường cũng rất khó” - anh Hồng nhận xét.
Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đền Lừ, quận Hoàng Mai - Hà Nội tâm sự nhu cầu học thêm của các học sinh là có thật. Đúng là có giáo viên trù dập, gây sức ép cho học sinh không đi học thêm nhưng việc Bộ Giáo dục - Đào tạo cấm các thầy cô dạy thêm không phải là giải pháp hoàn hảo để chống lại những tiêu cực trong giáo dục.
Thực tế, ngành giáo dục nên tìm những giải pháp kỹ thuật để hạn chế tiêu cực thay vì không quản được thì cấm. “Với cách dạy và học cũng như thi cử như hiện nay, không đi học thêm thầy cô thì học sinh cũng phải học thêm từ gia sư, mà thuê gia sư còn tốn kém hơn đi học thêm giáo viên nhiều” - phụ huynh này cho hay. Anh Phạm Hồng cũng có chung quan điểm này: “Kinh nghiệm từ chính cô con gái lớn của tôi cho thấy trường chuyên không bằng lớp chọn, lớp chọn không bằng học thêm”.
Báo động chất lượng
Nhờ lệnh cấm dạy thêm của Bộ Giáo dục - Đào tạo mà các trung tâm gia sư tại Hà Nội được mùa làm ăn, các sinh viên cũng có thêm khoản thu nhập đáng kể trong thời buổi kinh tế khó khăn. Chị Thu Hiền, quản lý một trung tâm gia sư đặt tại phố Chùa Láng, quận Đống Đa, cho hay thời gian gần đây, trung tâm nhận được khá nhiều đơn đặt hàng tìm gia sư, không chỉ cho học sinh cấp 3, cấp 2 mà còn cho cả học sinh lớp 2, lớp 3. “Nhu cầu khá nhiều nên sinh viên không phải đợi học sinh như trước đây, chỉ cần chờ một vài ngày là có thể kiếm ngay được một chỗ dạy vừa ý” - chị Hiền cho biết.
Tuy nhiên, khi cầu vượt cung thì chất lượng gia sư thật sự là vấn đề đáng phải quan tâm. Qua tìm hiểu của phóng viên, các trung tâm gia sư tuyển người dạy thêm ồ ạt, thiếu chọn lọc, chỉ cần sinh viên có nhu cầu là được, chủ yếu để họ lấy phí giới thiệu việc làm bằng 50% tháng lương đầu tiên (khoảng 600.000 đồng).
Nguyên nhân dạy thêm ở tiểu học là do phụ huynh muốn con mình đủ sức thi vào trường chuyên, lớp chọn, trong khi chỉ học ở trường thì không đáp ứng được yêu cầu này.
“Khi tôi tìm đến một trung tâm gia sư đóng gần Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người của trung tâm chỉ hỏi qua loa học trường gì, năm thứ mấy, muốn dạy môn gì, dạy được lớp mấy, rồi ghi hồ sơ và tìm lớp. Ngoài ra, trung tâm cũng dặn các gia sư khi nhận lớp không được nói mình học ngành báo chí mà phải nói là sư phạm. Các bạn ở cùng phòng tôi cũng nộp hồ sơ như thế và có lớp rất nhanh” - một sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền kể lại.
Hệ quả của việc tuyển gia sư ồ ạt này là chất lượng dạy học rất tệ. Em Bảo Trâm, học sinh lớp 9C Trường THCS Phan Chu Chinh, có rất nhiều “giáo viên” tại nhà với lịch học kín mít như toán, lý, hóa, nhạc, võ, tiếng Pháp, tiếng Đức… Tuy nhiên, học tại nhà khiến cô học trò này thấy không thoải mái lắm vì có những gia sư diễn đạt theo kiểu dạy… đại học, dạy nhiều kiến thức khác chương trình ở trường.
“Có chị gia sư còn không thể làm được bài toán trong sách giáo khoa của em. Mẹ đã tìm cho em mấy gia sư rồi mà không thấy có thay đổi gì lắm” - Bảo Trâm cho biết. Bé Minh Châu, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Nhật Tân, quận Tây Hồ - Hà Nội, tâm sự: “Cô gia sư thường xuyên viết bài hộ. Cô thường làm 2 bài văn rồi bảo con với bạn My mỗi người chép một bài cho nhanh. Có buổi học, cả 3 cô cháu chỉ ngồi ăn uống rồi cô cho nghỉ sớm”.
Không yên tâm với gia sư sinh viên cũng là lý do khiến anh Phạm Hồng phải nhờ một cô giáo tiểu học đến dạy cho con mình. Trong khi mức giá của sinh viên làm gia sư chỉ 100.000 đồng/buổi thì thù lao cho gia sư là giáo viên lên đến 180.000 đồng/buổi nhưng anh vẫn chấp nhận.
Thu Hiền (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết
Y học Ai Cập cổ đại đã biết điều trị ung thư từ 4000 năm trước? Dấu vết điều trị 'ung thư' gây sốc được tìm thấy
Hai người nông dân đi bắt ốc từng vô tình đào được cây gỗ quý hàng đầu Việt Nam: Dài 15m, có tuổi đời khoảng 100 năm