Thống đốc: Bản kiểm điểm tôi cũng mang theo đây
Nếu nợ xấu để phát sinh tăng thêm trong khi chưa giải quyết được cái cũ sẽ rất gay go. Cái xấu sẽ trở lại. Ngay cả việc bán được cho công ty mua bán nợ, mà công ty lại không bán được thì đây là một rủi ro vì chỉ chuyển được nợ xấu từ ngân hàng sang công ty mua bán nợ. Cục máu đông nằm chính ở chỗ này - Chủ tịch Quốc hội phát biểu trong phiên chất vấn Thống đốc chiều 29.9 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các vị ĐBQH đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xử lý nợ xấu cũng như bày tỏ nỗi băn khoăn trước hoạt động của Công ty mua bán nợ VMC, bởi như ĐBQH Huỳnh Nghĩa nhắc nhở: Chúng ta đang xử lý nợ xấu theo nguyên tắc “không dùng tiền ngân sách nhà nước”.
Nỗi lo đó là không thừa khi hàng loạt vụ tham nhũng liên quan đến ngành ngân hàng vừa được đưa ra xét xử với kết quả là những khoản tiền rất khó để thu hồi.
ĐBQH Đỗ Văn Đương chất vấn xung quanh con số còn 47% nợ xấu chưa giải quyết được trong khi Công ty VMC dù đã mua được 60.000 tỷ, nhưng mới bán ra được 2,5% - tức chỉ hơn 1.000 tỷ. Vậy vướng mắc ở đây là gì? Năng lực của VMC hay vướng mắc pháp lý trong việc mua bán nợ?
ĐBQH Phùng Văn Hùng thì hỏi nguyên do của việc xử lý nợ xấu còn tồn tại phải chăng là do “bắt bệnh chưa đúng, chữa chưa đúng thuốc khiến nợ xấu vẫn như cục máu đông chưa giải quyết được?”.
Trả lời một cách thẳng thắn bằng việc nhắc thẳng đến vụ án Huyền Như và vụ Công ty Cho thuê tài chính 2, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói đó là những vụ xảy ra trước 2011 (khi ông chưa nhậm chức thống đốc). Nhưng ông cũng sòng phẳng nói đã kiểm điểm sâu sắc. Thậm chí “bản kiểm điểm đó tôi cũng mang theo đây”.
Nhắc lại kết quả VMC đã mua được 68.000 tỷ nợ xấu trong bối cảnh “Phát mại tài sản là vấn đề rất khó khăn. Theo thống kê: 1 tài sản bị xiết nợ thì mất 3-7 năm mới xử lý được”, Thống đốc nói ông ý thức câu chuyện mua lại nợ xấu nhưng không phát mại, không xử lý được thì cũng không thu được tiền. Và đây là vướng mắc của VMC mà ông đang đề nghị xử lý.
Tuy nhiên, Thống đốc trấn an rằng không có gì phải hốt hoảng về nợ xấu, dù không chủ quan. Bởi theo ông, chúng ta đã bắt bệnh trúng, chữa bệnh đúng. Bởi vấn đề là đã thấy được căn bệnh, thấy được phương thuốc và đến nay nợ xấu đã bớt xấu hơn rất nhiều khi nằm trong sự giám sát của NHNN. “Vấn đề là liều lượng phụ thuộc vào sức khỏe con bệnh. Nếu liều lượng cao quá, có khi con bệnh chết vì thuốc của chúng ta” - ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cuối năm chúng ta phải có một hệ thống tin dụng lành mạnh, tức là huy động được vốn, cho vay được vốn, không để lại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. “Tôi đồ rằng chưa được 2/3 tổ chức tín dụng của chúng ta đạt được điều đó” - Chủ tịch Quốc hội nói. Ông cũng đề nghị cần quán xuyến tái cơ cấu và chính sách tài chính, tín dụng phải gắn kết với nhau. “Nếu nợ xấu để phát sinh tăng thêm trong khi chưa giải quyết được cái cũ sẽ rất gay go. Cái xấu sẽ trở lại. Ngay cả việc bán được cho công ty mua bán nợ, với vốn chỉ 5.500 tỷ trong khi nợ xấu cả trăm ngàn tỷ mà không bán được thì đây là một rủi ro vì chỉ chuyển được nợ xấu từ ngân hàng sang công ty mua bán nợ. Cục máu đông nằm chính ở chỗ này" - ông nói.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời điểm bão Yinxing đổ bộ vào Biển Đông, xuất hiện ngay trong tuần này?
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công gặp hai bất cập lớn
Cột tin quảng cáo