Thông tư đẩy doanh nghiệp vào ngõ cụt
Vừa qua Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN- PTNT đã xây dựng Dự thảo Thông tư 03/2013/TT- BNNPTNT, về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Tuy chưa được ban hành nhưng thông tư đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp kinh doanh trong ngành.
Các doanh nghiệp cho rằng, một số điều khoản tại dự thảo đang vô hình trung đã trói buộc các doanh nghiệp. Bởi vì, Trên thực tế thị trường sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta hiện nay, nguồn nguyên liệu phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài. Một số doanh nghiệp trong nước hoạt động ở lĩnh vực này chủ yếu thực hiện việc sang chai, đóng gói và phân phối thuốc bảo vệ thực vật cho các công ty nước ngoài là chính. Và ngoại trừ một vài doanh nghiệp lớn thì hầu hết số còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vây, nếu thông tư 03 ra đời sẽ gây trở ngại rất lớn cho doanh nghiệp.
Ví dụ, tại khoản 3, Điều 5, dự thảo thông tư có nêu: "Tổ chức, cá nhân sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật không trực tiếp đứng tên đăng ký, thì được ủy quyền cho duy nhất một tổ chức, cá nhân đủ điều kiện… đứng tên đăng ký mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật của mình và được chấm dứt, thay đổi ủy quyền đứng tên đăng ký đối với tổ chức, cá nhân được ủy quyền".
Với điều khoản này, ông Lê Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc bảo vệ thực vật Việt Thắng cho biết, quy định này đã thật sự trói buộc các doanh nghiệp trong nước và bắt các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào công ty nước ngoài. Vẫn theo ông Thịnh, mặc dù Công ty Việt Thắng có đủ điều kiện để đổi sang nhà cung cấp mới, thì nhà cung cấp ấy có thể đã ủy quyền cho doanh nghiệp Việt Nam khác. Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài mà công ty Việt Thắng nhập có thể đã giải thể hoặc chất lượng không tốt thì Việt Thắng vẫn phải nhập theo phương thức ủy quyền. "Điều này không chỉ tước quyền lựa chọn tối thiểu nhất của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm cũng như thể hiện sự độc tôn trong quản lý của ngành", ông Thịnh chia sẻ.
Cùng trao đổi về vấn đề trên, ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc công ty TNHH Agricare Việt Nam, đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật của TP Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay rất lo lắng bởi ủy quyền đó có những thay đổi thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất tài sản kinh doanh.
Mặt khác, trong khi thế giới đang cho thương mại tự do cạnh tranh thì chúng ta lại tạo ra một môi trường độc quyền cho sản phẩm của công ty nước ngoài đứng vững trên thị trường của nước ta. Đó là điều bất hợp lý và đi ngược với quy luật. Hơn nữa, nếu điều khoản này được thực thi, các nhà máy nguyên liệu nước ngoài sẽ ép các doanh nghiệp trong nước về sản lượng tiêu thụ, thậm chí ép giá. Bởi trên thực tế, doanh nghiệp trong nước lệ thuộc quá nhiều nguồn nguyên liệu nước ngoài, khó phát triển nền công nghiệp thuốc bảo vệ thực vật trong nước.
Còn ông Trần Trung Thành- Giám đốc Cty CP Công nghệ hóa chất Nhật Bản Kasuta lại cho rằng, về nguyên tắc giấy ủy quyền của nhà máy nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong nước có thời gian rất dài, từ 5-10 năm. Vì một lý do nhất định, nhà máy nước ngoài ngừng hoạt động, việc xin xác nhận theo quy định đó là rất khó. Thiệt hại về thủ tục này, doanh nghiệp trong nước gánh chịu. Đối với việc quy định các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP hoặc ISO mới đủ điều kiện xác định độc tính của thuốc thành phẩm ở Việt Nam chưa thực tế, vì trong nước không xác định được. Đây là căn cứ để doanh nghiệp trong nước phải lệ thuộc vào nước ngoài.
Về phía các cơ quan chức năng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có công văn phản ánh ý kiến của doanh nghiệp. Theo đó quy định phải có giấy ủy quyền của nhà sản xuất đối với trường hợp ủy quyền đứng tên đăng ký mới được cấp Giấy phép khảo nghiệm để đăng ký chính thức (Điều 10), sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng tới thị trường thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ có những doanh nghiệp có giấy ủy quyền của nhà sản xuất nước ngoài mới được phép đăng ký thuốc vào Danh mục được phép sử dụng sẽ xảy ra hiện tượng thị trường thuốc trừ sâu sẽ “rơi” vào tay một số doanh nghiệp, từ đó dẫn đến hệ lụy là thị trường có thể bị thao túng, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Thứ hai, hiện nay một số thuốc bảo vệ thực vật thông dụng (generic) được tự do mua bán trên thế giới, điều này sẽ có lợi cho một số nước chưa sản xuất được nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật như nước ta. Việc Dự thảo quy định các thuốc bảo vệ thực vật muốn được sử dụng ở Việt Nam cần phải có giấy ủy quyền của nhà sản xuất, mà không phân biệt là loại mới hay là loại generic, vô hình trung gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi không tận dụng được lợi thế trên, mở rộng ra thì người tiêu dùng không được hưởng lợi về giá cả cạnh tranh.
Từ những phân tích trên, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về việc ủy quyền này.
Với những phản ánh của các doanh nghiệp trên đây đã cho thấy những bất cập của dự thảo thông tư 03. Và nếu không được điều chỉnh thì có thể trở thành rào cản, thành quy định trói buộc đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khi được chính thức ban hành.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
Cột tin quảng cáo