Khám phá

Thông tư quản lý game online: "Nóng" chuyện game lậu

Vấn đề game lậu, game phát hành trái phép tại Việt Nam "hoành hành" trong thời gian qua không chỉ gây trăn trở cho cơ quan quản lý mà còn là nỗi bức xúc của tất cả các doanh nghiệp phát hành game trong nước.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VNG. Ảnh: T.C
 
Tâm sự thẳng thắn tại Hội thảo góp ý kiến cho dự thảo Thông tư quản lý trò chơi điện tử trên mạng chiều 24/4, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình (Bộ TT&TT) thừa nhận tình trạng game lậu tràn lan trên thị trường gần đây nhưng Nhà nước lại chưa có giải pháp quản lý hiệu quả, gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp cung cấp game trong nước với nước ngoài. Phần lớn doanh thu sau khi đối soát đều chảy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài là một hậu quả nhãn tiền của game lậu, game phát hành không phép.
 
Ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng giám đốc VCCorp nêu quan điểm rằng, hiện tại các doanh nghiệp game trên thế giới đang phát triển và kinh doanh rất mạnh, không hề thua kém các doanh nghiệp quảng cáo lớn như Google, Facebook. "Nếu chúng ta kiểm soát quá chặt các doanh nghiệp game nội thì cơ hội sẽ có thể rơi hết vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước không có cửa nào để kinh doanh, dẫn tới càng ngày càng thụt lùi. Chính sách quản lý có nguy cơ trở thành bảo hộ ngược", ông Tân lo lắng. Theo đại diện VCCorp thì nên chăng, cơ quan quản lý nên nới lỏng một chút trong tư duy quản lý game để tạo "sự công bằng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại".
 
Liên quan đến tình trạng game lậu, ông Tân cho biết những trường hợp như Koram Game của Trung Quốc không phải là hiếm. Họ mở công ty tại Việt Nam, sau đó phát hành, đấu nối vào hệ thống mạng của VN. Khi lực lượng thanh, kiểm tra đến thì họ "biến mất", trong khi tiền thì đã thu của người chơi. "Đối tượng này rất khó nắm bắt, chịu khó di chuyển khắp VN để né tránh lực lượng chức năng", ông Tân chỉ ra. Khó hơn nữa là bắt được một công ty thì các đối tượng lại nhanh chóng mở công ty khác và lặp lại quy trình kinh doanh trái phép tương tự.
 
Trong nỗ lực đi tìm giải pháp cho vấn nạn game lậu, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng cần có quy định điều chỉnh hoạt động của cổng thanh toán (nơi doanh nghiệp nước ngoài thu tiền từ người chơi trong nước). "Kiểm soát được các cổng thanh toán sẽ triệt tiêu được phần lớn nguồn thu của doanh nghiệp phát hành game lậu. Tuy nhiên, hiện các quy định liên quan đến cổng thanh toán tại VN vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng. Không riêng gì game lậu mà một số dịch vụ bất hợp pháp khác cũng có thể lợi dụng kẽ hở này để âm thầm tồn tại và phát triển, đặc biệt là các dịch vụ qua mạng", ông Bảo chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Thế Tân cho rằng quan điểm chặn bằng dịch vụ hoặc thanh toán là khả thi, tuy nhiên nếu đòi hỏi trách nhiệm giám sát quá nhiều từ cổng thanh toán là rất khó, bởi game chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh mà các cổng thanh toán đang hỗ trợ. Dù vậy, Bộ TT&TT có thể yêu cầu các cổng thanh toán giám sát giao dịch, chẳng hạn như giao dịch nào phát sinh quá nhiều tiền (khoảng 500 triệu đồng) hoặc lưu lượng tăng đột biến thì có thể báo cáo để cơ quan chức năng rà soát lại. Muốn vậy thì Thông tư nên chỉ ra được những dấu hiệu "bất thường" trong giao dịch làm cơ sở pháp lý để các cổng thanh toán có thể tuân thủ theo một cách dễ dàng.
 
Trong khi đó, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNG tin rằng giấy phép kinh doanh là mấu chốt của mọi vấn đề. Việc cấp phép phát hành game sẽ giúp phân biệt doanh nghiệp "đàng hoàng" với doanh nghiệp chui, lậu. Tất nhiên, khó có thể ngăn chặn được 100% game không cấp phép được hoạt động tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp nào đang phát hành game tại VN (tức là có cơ sở hạ tầng, máy chủ, nhân viên, cổng thanh toán VN...) thì đều phải tuân thủ các quy định của Bộ TT&TT.
 
Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng nên có một báo cáo định kỳ từ Hiệp hội các doanh nghiệp game trong nước, nhận định, khái quát tình hình thị trường trong tháng hoặc quý, nêu rõ những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, không đàng hoàng để tránh tình trạng doanh nghiệp chạy vòng quanh tố lẫn nhau theo mục đích cá nhân.
 
Thừa nhận rằng lĩnh vực game trực tuyến đang phát triển quá nhanh nên quản lý khó cầu toàn, ông Bảo khẳng định Cục PTTH & Thông tin điện tử sẽ cố gắng hoàn chỉnh sớm Thông tư cũng như ban hành Thông tư hướng dẫn sớm nhất có thể để gỡ khó cho doanh nghiệp game nội.
 
"Mục đích của chúng tôi là cố gắng đảm bảo để thông tư có thể cơ bản vận dụng được, quản lý được thị trường mà không quá lạc hậu. Nếu thực tế phát sinh bất cập thì Cục sẵn sàng tiếp thu, hoàn chỉnh lại".
 
Chia sẻ với các ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định quan điểm của Bộ là "mong muốn hạn chế những mặt tiêu cực của game chứ không kìm hãm các doanh nghiệp game kinh doanh, phát triển". Thứ trưởng chỉ đạo Cục PTTH & Thông tin điện tử tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn chỉnh lại một lần nữa dự thảo để các đơn vị đóng góp ý trực tiếp trên văn bản trước khi ban hành Thông tư chính thức, trên tinh thần "hài hòa lợi ích của tất cả các bên".
Vietnamnet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo