Khám phá

Thu hút 5 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực phần cứng điện tử

Theo Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam phấn đầu thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI giai đoạn 2015 – 2020.

Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 ra đời nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng xuất khẩu.

Dự kiến kế hoạch đến năm 2020, lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin tăng trưởng tối thiểu 15%/năm. Thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2015 – 2020.

Duy trì vị trí Top 10 nước đứng đầu lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu.

Bên cạnh việc hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp, Chương trình sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.

Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia lựa chọn, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, xúc tiến, thương mại hóa, triển khai thử nghiệm sản phẩm…Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm phần mềm dùng trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Đồng thời, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp phần mềm nguồn mở (PMNM). Phát triển các sản phẩm nội dung số thương hiệu việc; các sản phẩm phục vụ cơ quan nhà nước, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn; các sản phẩm trên mạng di động, internet …Đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, sản phẩm an toàn giao thông, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ các hệ thống thông tin quốc gia, an ninh, quốc phòng .

Chương trình dự kiến sẽ đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và cung cấp một số dịch vụ công nghệ thông tin mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; có hàm lượng chất xám cao hoặc có khả năng xuất khẩu.

Hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là dịch vụ gia công quy trình kinh doanh và dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số cho nước ngoài.

Phát triển ngành dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liêu tại Việt Nam. Hình thành một số doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa, từng bước tiến ra thị trường quốc tế.

Chú trọng hơn nữa đến việc tăng cường năng lực và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, nhất là thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 sẽ có những chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghệ thông tin như vay vốn, bảo lãnh tín dụng hay tham gia các nội dung hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt nam (VEIA) và doanh nghiệp hội viên chủ động đề xuất các dự án, phát triển sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin; đề xuất các cơ quan thẩm quyền bố trí vốn đối với các dự án quan trọng, cần thiết.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC), Công ty thông tin di động (VMS), Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn và các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước hằng năm có trách nhiệm xây dựng và đăng ký kế hoạc thực hiện Chương trình với cơ quan chủ quản và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ưu tiên đầu tư vốn cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin để triển khai các nội dung thuộc Chương trình phù hợp với quy định hiện hành.

Phấn đấu đến năm 2025, ngành công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao và có giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tể; tạo nền tảng phát triển nền kinh tế tri thức; góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.


 

Thu Hà
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo