Thứ trưởng Giáo dục: 'Chỉ một bộ phận thí sinh vất vả khi nộp - rút hồ sơ'
- Đợt xét tuyển đầu tiên đã kết thúc, người dân than phiền về việc xét tuyển phiền hà, tốn kém khi phải đi lại nhiều để nộp - rút hồ sơ, ông giải thích gì về việc này?
- Đây là năm đầu tiên chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, vì vậy khó có thể tránh khỏi những vướng mắc. Bộ rất chia sẻ với sự lo lắng của thí sinh và các bậc phụ huynh phải vất vả đến trường để rút, nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, việc này thực hiện ở Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ an toàn và thuận lợi hơn rất nhiều. Vừa qua đã có gần 10.000 thí sinh đến các Sở Giáo dục địa phương làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không phải trực tiếp đến trường.
Việc rút, nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển chỉ tập trung ở một số ít trường lớn có uy tín. Thực tế chỉ có khoảng 30-40 trường trên tổng số hơn 400 đại học, cao đẳng của cả nước (chiếm 10%) có sức thu hút mạnh mẽ thí sinh. Vì vậy, số thí sinh phải đi lại nhiều không thể nào so sánh với hàng triệu lượt thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và mỗi đợt thi đại học, cao đẳng hàng năm trước đây.
Việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích so với việc tổ chức 4 kỳ thi trước đây rõ ràng giảm được chi phí và áp lực thi cử rất lớn cho toàn xã hội.
- Kỳ thi hai trong một với phần thi cử được đánh giá là đơn giản, nhưng khâu xét tuyển lại phức tạp, và gây căng thẳng cho cả thí sinh, phụ huynh và các trường đại học, ông chia sẻ gì về điều này?
- Quy trình có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển sẽ giúp cho thí sinh chọn được ngành học mà mình yêu thích, hạn chế được nhiều rủi ro đối với việc chọn ngành, chọn trường. Khi các trường tuyển được nhiều thí sinh yêu thích ngành nghề, có năng lực tương đối đồng đều thì việc nâng cao chất lượng đào tạo được thực hiện dễ dàng hơn.
Qua đợt tuyển sinh vừa rồi, sự phân tầng của các trường đại học rất rõ ràng. Những trường uy tín thu hút được rất nhiều thí sinh giỏi. Các em tuy có vất vả ít nhiều để tính toán việc nộp đơn vào các trường này, nhưng đó là niềm tự hào và có nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà trường.
- Bộ cho thí sinh 4 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển khiến nhiều em nháo nhào nộp, rút rồi điều chỉnh nguyện vọng để chỉ lấy việc đỗ làm ưu tiên số 1. Sau này vào học, thí sinh có thể chán nản vì lựa ngành không đúng sở trường, ra trường không làm việc được. Bộ đã tính đến hậu quả này như thế nào?
- Những thí sinh đạt kết quả cao luôn tự tin chọn được đúng ngành, trường mà mình yêu thích. Những em này có rất nhiều lựa chọn ngành và trường nên chắc chắn sẽ không chọn vào học những ngành không phải sở trường. Những em có kết quả thấp hơn cũng có đủ thông tin để lựa chọn ngành mình yêu thích ở trường có đầu vào vừa sức.
Những em chẳng may chọn ngành chưa phù hợp với năng lực sở trường thì cũng có cơ hội để đăng ký vào đợt xét tuyển bổ sung nhờ thông tin tuyển sinh đã được minh bạch, công khai của các trường.
- Trong 3 đợt xét tuyển còn lại, Bộ dự định điều chỉnh những gì để thí sinh và phụ huynh đỡ vất vả?
- Theo quy chế tuyển sinh, trong các đợt xét tuyển bổ sung còn lại thí sinh không được thay đổi nguyện vọng. Thí sinh có thể sử dụng cùng lúc 3 phiếu báo kết quả thi, mỗi phiếu 4 nguyện vọng vào 4 ngành khác nhau của cùng một trường. Như vậy các em có thể chọn cùng lúc 12 nguyện vọng trong đợt xét tuyển tới đây.
Để đơn giản hóa thủ tục nộp hồ sơ, ngoài các phương thức quy định trong quy chế, Bộ sẽ giao các Sở Giáo dục tiếp nhận hồ sơ và chuyển thông tin đăng ký của thí sinh đến các trường liên quan qua phần mềm tuyển sinh. Với phương án này, thí sinh chỉ đến một nơi cũng có thể nộp hồ sơ xét tuyển cho cả 12 nguyện vọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Chính trị đồng ý thành lập Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam
Xanh hóa ngành hàng xuất khẩu tỷ USD
Chống lãng phí trong phát triển kinh tế - Bài 3: Trắc trở dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Long An ký kết thỏa thuận với 2 doanh nghiệp Đức, vốn đầu tư hơn 80 triệu USD
ĐBQH đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo cao hơn các ngành khác