Xét tuyển NV1 vào ĐH: Thí sinh bật khóc vì tiếc nuối
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, đến 17 giờ chiều ngày 20/8, các trường đồng loạt khép lại việc nhận hồ sơ xét tuyển NV1 của thí sinh ĐH năm nay. 16 giờ, tại trường ĐH Công đoàn nhiều thí sinh vẫn hối hả đến làm thủ tục nộp hồ sơ.
Nhiều phụ huynh cho biết, đã nghỉ làm nhiều ngày để đưa con đi rút, nộp hồ sơ. Dường như, đây là sự lựa chọn cuối cùng của những thí sinh đã nộp hồ sơ ở trường top trên. Ở những giây phút cuối cùng, một số thí sinh đã tiếc nuối bật khóc.
Nguyễn Thị Hải Oanh cho biết, em được 23,75 điểm. Với mức điểm này, em tin mình đỗ vào Khoa Quản lý nhà nước của Học viện Hành chính nên ngay từ những ngày đầu đã nộp hồ sơ vào (khoa này năm 2014 chỉ lấy 19 điểm).
Quê ở Hà Tĩnh, dù cách Thủ đô đến 400km, Oanh đã phải một mình bắt xe đến nơi để rút hồ sơ nộp vào trường khác. Bật khóc, Hải Oanh chia sẻ: “em thật sự tiếc nuối vì 23,75 điểm khối C em nghĩ là khá cao vậy mà không vào được ngành học em muốn”.
Trong hội trường có sức chứa 500 người của ĐH Kinh tế quốc dân, phụ huynh và thí sinh lấp gần hết chỗ ngồi từ 7 giờ sáng. Ông Phạm Quang Dong, trưởng phòng đào tạo cho biết: Ngày 19/8 vẫn có 868 hồ sơ nộp mới và chỉ có 230 thí sinh rút hồ sơ, trường này chỉ tuyển 5.800 chỉ tiêu nhưng đã nhận xấp xỉ 10.000 hồ sơ.
Ông Dong nói, chúng tôi đã tiên lượng là sẽ đông nhưng không ngờ đông thế. Ngoài ra, ông Dong cho biết, số thí sinh nộp hồ sơ qua bưu điện cũng tới gần 1.000. Ngày chót nhưng thí sinh tháo chạy từ các trường có điểm cao hơn đổ về đây khá đông, đến mức trường này nghẽn mạng cục bộ và khó xử lý thông tin.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường khác, tình hình cũng căng thẳng không kém. ĐH Bách khoa thừa ra khoảng 1.000 đơn xét tuyển, nhưng con số đến rút hồ sơ mới khoảng vài trăm người.
Tin tức từ báo Tuổi Trẻ, không chỉ thí sinh, phụ huynh mà các trường cũng quay cuồng với 20 ngày xét tuyển vừa qua. Tại Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM), ngày nào cũng rất đông học sinh đến để theo dõi tình hình, hỏi về cơ hội trúng tuyển. Cán bộ của trường phải liên tục giải đáp những băn khoăn. Sáng 20/8, lượng thí sinh và phụ huynh cũng rất đông, trường phải mời tất cả vào hội trường để tư vấn, giải đáp thắc mắc chung.
Ông Nguyễn Ngọc Thái - chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết hầu hết phụ huynh và thí sinh đến trường sáng 20/8 là để theo dõi thông tin, không nộp hồ sơ. Khi trường sắp sửa thông báo việc thay đổi điểm, cả hội trường 600 người im phăng phắc.
TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo nói: “Phụ huynh rất lo lắng trong đợt xét tuyển này. Có phụ huynh gần 3g sáng vẫn còn gửi mail cho tôi để hỏi thăm tình hình xét tuyển. Cứ thấy phụ huynh nào đến trường mà rầu rĩ, chúng tôi đều đến hỏi thăm và tư vấn thêm.
Có một điều mà tôi rất buồn, đó là kết thúc thời gian nhận hồ sơ mà vẫn còn hơn 300 hồ sơ không có khả năng trúng tuyển nhưng thí sinh không đến trường rút ra”.
Theo thông tin từ báo Thanh niên, Bùi Thị Thu Trang (Hà Nội) đến chiều 20.8 quyết định nộp hồ sơ vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội. Mặc dù nguyện vọng từ khi học THPT của Trang là học ngành tài chính kế toán của Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho rằng khâu xét tuyển đúng là có vấn đề và nhiều cái phải rút kinh nghiệm. Nhưng sự bất cập của công tác xét tuyển không chỉ dừng lại ở đó.
Điều sâu xa hơn, theo ông Hạnh, TS chọn trường dường như chỉ bằng điểm số và chọn trường tương ứng với mức điểm mà mình đạt được. Thế nên không hiếm trường hợp lẽ ra muốn chọn vào Trường ĐH Y nhưng rồi thấy mức điểm cao quá lại “nhảy” sang Trường ĐH Bách khoa... hai ngành nghề không liên quan gì cả nhưng mục tiêu là phải đỗ ĐH. Điều đó mâu thuẫn với mục tiêu hướng nghiệp ngay từ bậc phổ thông của Bộ GD-ĐT.
Cùng quan điểm, TS. Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, việc xét tuyển năm nay có thể khiến nhiều thí sinh không vào được những ngành mình yêu thích. Thí sinh chạy lòng vòng khắp nơi miễn là đậu ĐH mà không cần biết ngành đó có phù hợp với sở thích của mình hay không. Như vậy việc học sẽ rất khó khăn, nếu có tốt nghiệp cũng rất dễ bị chính nghề mình đã chọn chối bỏ.
Ông Kiều Xuân Thực trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, 20 ngày đăng ký xét tuyển đợt 1 có lẽ là 20 ngày tràn ngập lo lắng của thí sinh, phụ huynh: nộp hồ sơ vào đâu, có nên rút ra không, nên đổi nguyện vọng hay chuyển hẳn sang trường khác và thậm chí là không thể học theo đúng ngành mình mong ước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo