Tin tức - Sự kiện

Thứ trưởng Xây dựng: Giá nhà không cao mà lương quá thấp

Người dân khó mua nhà là do thu nhập thấp chứ giá nhà ở Việt Nam không hề cao nếu xét tương quan về chi phí nguyên vật liệu so với thế giới, theo ông Nguyễn Trần Nam.

Tại Hội thảo khoa học “Kinh doanh bất động sản – Cơ hội và Thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi” tổ chức sáng 27/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Trần Nam cho rằng Việt Nam đang có một thị trường bất động sản non trẻ, chỉ bắt đầu hình thành sau khi Luật Đất đai ra đời năm 1993. Các hoạt động kinh doanh mua bán cũng chỉ mới diễn ra từ năm 2000. 

“Kinh doanh bất động sản của Việt Nam thậm chí còn sau cả Myanmar. Năm 1996, Myanmar đã phát triển các dự án nhà ở trong khi đó Việt Nam còn chưa có khu đô thị đầu tiên là Linh Đàm, cũng chưa có một dự án hoàn chỉnh nào được buôn bán theo thị trường”, Thứ trưởng nói.

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam còn non trẻ so với các quốc gia trong khu vực. Ảnh: HL

Vị lãnh đạo này cho rằng, điểm yếu nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là phát triển không theo kế hoạch. Trong khi, doanh nghiệp còn mới, người mua nhà bắt đầu làm quen với mua bán, ký kết hợp đồng, chưa hiểu nhiều về luật pháp… nên xảy ra nhiều vấn đề tranh chấp. Hơn nữa, thị trường lại thiếu hệ thống trung gian như sàn giao dịch, môi giới, công ty dịch vụ định giá...

Giá nhà đất của Việt Nam, theo Thứ trưởng không cao như nhiều người nhận định. "Việt Nam không thuộc top 20 quốc gia có bất động sản đắt đỏ trên thế giới. Vấn đề nằm ở chỗ là mức lương của chúng ta quá thấp chứ không phải nhà quá cao. Xi măng, cửa, khoá, nội thất... dựa trên giá quốc tế mà nhà phải bán theo lương thì bán làm sao được", ông Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam từng đề cập tới sự bất hợp lý giữa giá nhà và thu nhập của người dân tại một hội thảo cách đây 3 năm. Khi đó, ông đề xuất để giải bài toán nhà thu nhập thấp, Nhà nước và doanh nghiệp cần có giải pháp kéo giá nhà xuống, bằng cách ưu đãi chính sách, điều chỉnh quy mô và độ hoàn thiện của căn nhà ở mức hợp lý, đồng thời phải nâng dần thu nhập, mức sống của người dân.

"Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính 40 năm mới mua được", ông Nam phát biểu.

Về diễn biến của thị trường trong năm 2014, ông Nam nhận định đã có dấu hiệu phục hồi, giao dịch liên tục tăng, giá cơ bản ổn định, cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn, tồn kho bất động sản giảm, dư nợ trong lĩnh vực này tăng lên... 

Tại hội thảo, tham luận của các chuyên gia cũng cho thấy những triển vọng tích cực của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức nhận định thị trường có dấu hiệu sôi động trở lại, đặc biệt là ở phân khúc dưới một tỷ đồng.

Tuy nhiên, các dự án trung, cao cấp chưa có chuyển biến tích cực và còn nằm trong tình trạng cầm chừng, gặp nhiều khó khăn.Cũng theo ông Hiếu, thị trường bất động sản trong năm 2014 cũng chứng kiến sự sàng lọc mạnh mẽ. Trong năm 2015, Tổng giám đốc Nhà Thủ Đức cho rằng loại căn hộ giá trung bình khá tiếp tục diễn biến khả quan.

"Phân khúc nhà giá rẻ vẫn tiếp tục là kênh giao dịch chủ lực vì là nhu cầu thật của người dân. Ngoài ra, xét theo yếu tố nhân khẩu học, số người trong độ tuổi cần sở hữu bất động sản tại Việt Nam còn rất lớn", tham luận của ông Hiếu nhận định.

TS Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng đưa ra 3 kịch bản đối với thị trường từ nay đến hết năm 2015. Ở kịch bản thứ nhất, bất động sản sẽ tái phục hồi với việc giải quyết hàng tồn, dự án dở dang tiếp tục được triển khai, giao dịch diễn biến sôi động và có những dự án mới ra đời. Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, khả năng này khó xảy ra.

Ở kịch bản thứ 2, thị trường có thể tiệm tiến ngoại suy, giao dịch trầm lắng dựa trên số dự án đã hoàn thành. Một số ít doanh nghiệp chủ đạo mới có thể tiếp tục triển khai các dự án tốt. Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ xuất hiện một số nhà đầu tư, phát triển mới có năng lực tốt. Theo ông Chung, kịch bản này dễ xảy ra nhất với điều kiện chính sách đối với thị trường vẫn giữ nguyên.

Kịch bản cuối cùng là thị trường bị co hẹp, nhiều doanh nghiệp tiếp tục thoái vốn, dự án lâm vào khó khăn. Theo đó, một số thế lực tài chính sẽ xuất hiện với mục tiêu thông tín các dự án. Tuy không phải là kịch bản được mong đợi nhưng ông Chung cho rằng nó vẫn có thể xảy ra nếu tình hình trong nước và thế giới khó khăn...

Theo VNExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo