Thị trường

Thủ tướng Chính phủ: Xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp

Cho rằng mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp nên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc muốn con số này phải đạt sớm hơn.

Theo tin từ VGP, sáng 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đối diện 3 thách thức là sản xuất hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực tiễn đã chứng minh con tôm là đối tượng sản xuất hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỷ USD, 700.000 ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều miễn là chúng ta có khát vọng, có quyết tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ và mong muốn quyết tâm đó được đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân.

Trên thế giới, sản phẩm tôm và thủy sản nói chung vẫn đang là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị mất giá hoặc bị khủng hoảng về giá.

Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu (đặc biệt vùng ĐBSCL) rất phù hợp để nuôi tôm. Đặc biệt, xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000-1.000.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL.

Vùng nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm kết hợp trồng lúa trên đất lúa) có diện tích lớn (560.000ha), tuy nhiên năng suất còn thấp (200-350 kg/ha), còn có thể nâng cao gấp 3-5 lần hiện tại nếu như áp dụng các giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, diện tích vùng nuôi tôm công nghiệp còn nhỏ, năng suất tuy cao hơn nuôi quảng canh nhưng vẫn thấp, đạt khoảng trên 4 tấn/ha. Nếu được đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có thể nâng cao năng suất lên 1,5 đến 2 lần so với hiện tại.

Thời gian gần đây, nhiều phương thức, mô hình nuôi hiệu quả, rất có triển vọng đã xuất hiện như nuôi tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái; mô hình nuôi theo 2 giai đoạn, tổ chức liên kết theo chuỗi... Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào ngành tôm.

Bộ NN&PTNT phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỷ USD, năm 2030 đạt 8-10 tỷ USD.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp. 

“Hôm qua, làm việc với Minh Phú (tập đoàn thủy sản) thì riêng Minh Phú đã quyết tâm đến 2021 xuất khẩu 2 tỷ USD. Vậy còn 8 tỷ USD nữa với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn, tạo sao không đạt 10 tỷ USD sớm hơn”, Thủ tướng nói. “Tôi đặt vấn đề với các đồng chí đến năm 2025 phải đạt 10 tỷ USD”.

Dẫn lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận về các giải pháp phát triển ngành tôm để đạt mục tiêu 10 tỷ USD sớm hơn. “Chúng ta có thể chủ động giống không? Thức ăn tốt và giá thành phù hợp, có làm được không? Quy trình, kỹ thuật canh tác tôm nhân rộng thế nào để có năng suất cao, không bị dịch bệnh. Chế biến, thương hiệu thế nào, bao bì làm sao?”, Thủ tướng đặt hàng loạt vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, thảo luận và có thể mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ các cơ chế, chính sách để phát triển lợi thế này của Việt Nam, “chứ không phải rụt rè từng dấu chấm, phẩy”.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, góp ý các giải pháp, đề xuất các cơ chế, chính sách để tìm hướng đi cho ngành tôm Việt Nam có bước tiến nhanh hơn. Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết để thúc đẩy ngành sản xuất có lợi thế lớn của thế giới là sản xuất, chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Nên đọc
Hòa Hậu (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo