Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN

Ngày 24/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến về "Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại”. Dự kiến, từ các ý kiến tại Hội nghị, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định và kế hoạch hành động về vấn đề này.

Hội nghị nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề như hội nghị toàn quốc về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…, với “mẫu số chung” là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính, tìm kiếm giải pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải và thương mại; phục vụ tốt hơn, thực chất hơn cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Tài chính, hiện có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Mô hình kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10/06, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O. 

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, có thể thấy, việc các bộ, ngành triển khai thực hiện các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia chưa phải là cao (53) trong khi mục tiêu đến cuối năm là khá lớn (143). Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục vẫn ở tình trạng “nửa vời”, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.

Thậm chí, trong khi thực hiện, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp. Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu.

 

Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, đồng thời đưa ra các giải pháp hiệu quả khắc phục những tồn tại, hạn chế và tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2018, các bộ, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về vấn đề này. Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ cập nhật thông tin về Hội nghị này.

Nên đọc
Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo