Khám phá

Thua lỗ, “gã nhà giàu” Nokia còn gì để bán?

Sau khi “gã nhà giàu” Nokia bán đi món “trang sức” Vertu, mới đây hãng đã phải bán lỗ trụ sở đầu não ở News York cho hãng công nghệ sinh học Histogenetics. Với tình trạng làm ăn thua lỗ như hiện nay, “gã nhà giàu” này liệu có phải bán nốt mình?

Nguy cơ cạn kiệt tiền mặt



Đã hơn một năm kể từ khi Nokia quyết định hợp tác với Microsoft để phát triển điện thoại Windows Phone, sản phẩm mới ít nhiều đã gây được sự chú ý trong thị trường di động, song điều đó vẫn chưa đủ để hút người dùng chuyển sang nền tảng này và đã khiến Nokia mất rất nhiều thứ.



Theo đánh giá của giới phân tích, việc đầu tư vào nền tảng của Microsoft đang khiến dự trữ tiền mặt của Nokia sụt giảm với tốc độ đáng lo ngại. Nghiêm trọng hơn, các chuyên gia tài chính còn nhận định rằng Nokia sẽ có nguy cơ cạn kiệt tiền mặt vào cuối năm 2013 do mất khả năng kiểm soát.



Các nhà phân tích cho rằng, Nokia đang cực kỳ chật vật để ổn định tài chính của hãng trong những tháng tới khi những khoản nợ đang gia tăng. Trong 5 quý qua, thời hoàng kim của các gã khổng lồ Nokia đã nhanh chóng qua đi khi hãng để mất tới 2,7 tỷ USD.

 

Với tốc độ này, giới phân tích cho rằng khoản dự trữ 6,3 tỷ USD hiện tại của Nokia sẽ nhanh chóng "bốc hơi" sau hai năm nữa. Trước mắt, các chuyên gia nhận định Nokia sẽ tiếp tục tiêu mất khoảng 2,54 tỷ USD trong 3 quý tiếp theo, trong khi những dự đoán bi quan hơn thậm chí còn cho biết Nokia sẽ hết tiền mặt vào cuối năm 2013.


Nhà phân tích Juliano Torii tại công ty tín dụng Societe General cho biết: “Nokia cũng sẽ khó khăn về khả năng thanh toán các trái phiếu ngắn hạn kết thúc vào năm 2014”.



Nokia –công ty từng nắm trong tay hơn 12 tỷ USD vào năm 2007, đã phát hành hai đợt trái phiếu lớn:1,6 tỷ USD (lãi suất 5,5%) đáo hạn vào năm 2014, và 638 triệu USD (lãi suất 6,75%) đáo hạn vào năm 2019.


Phát ngôn viên của Nokia cho rằng: “Công ty hiểu cần phải tăng lượng tiền mặt lưu thông. Đó là mục tiêu quan trọng của Nokia lúc này. Nokia đang thực hiện các hành động quyết định để đảm bảo sự tăng trương và thành công trong tương lai của công ty. Mục tiêu chính của các hành động này là giảm chi phí, tăng lượng tiền mặt lưu thông và duy trì khả năng tài chính mạnh mẽ của công ty”.



Bán dần từng “món trang sức”, giảm “người giúp việc”



Cuối tháng 4 vừa rồi, gã khổng lồ Nokia đón nhận thêm một cú sốc lớn khi hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế Standard & Poor (S&P) đã hạ một bậc đánh giá của Nokia từ mức “Baa2” xuống “Baa3”, điều này đồng nghĩa với việc đưa Nokia vào danh sách các công ty “không nên đầu tư”.

 

Điều đó càng gây khó khăn hơn cho gã khổng lồ di động vực lại khi khả năng tìm kiếm đầu tư không còn được ưu ái như trước.



Có lẽ việc bị hạ mức tín nhiệm đã làm cho “gã nhà giàu” Nokia trở nên khan hiếm tiền mặt và buộc phải bán những “đồ trang sức” có giá trị trên người. Cách đây một tháng, tờ Financial Times đưa tin rằng, Nokia đang có các cuộc đàm phán cấp cao để bán lại nhãn hiệu Vertu cho tập đoàn Permira với giá khoảng 268-402 triệu USD.



Trong khi đó, cuối tuần trước, Nokia quyết định bán trụ sở cơ quan đầu não của hãng tại Mỹ với giá cực lỗ. Cách đây 6 năm, Nokia đã phải bỏ ra tới 30 triệu USD để mua trụ sở chính của họ tại New York, nằm ở phía bắc Manhattan, trong thị trấn công nghiệp thuộc White Plains, nhưng giờ “gã nhà giàu” này buộc phải bán lại với giá 12 triệu USD, mức giá chưa bằng một nửa so phải số tiền bỏ ra cách đây sáu năm.


Động thái “bán lỗ” của Nokia được thực hiện trong bối cảnh hãng này đang phải đối mặt với tình hình kinh doanh giảm sút trên thị trường di động toàn cầu. Trong quý một, hãng lỗ tới 1,2 tỷ USD và tiếp tục trong quý 2 khoản lỗ tăng lên 1,7 tỷ USD.


Không chỉ bán đi những “món đồ” giá trị để tăng lượng tiền mặt, Nokia cũng buộc phải cắt giảm chi phí. Hồi cuối tháng 3 vừa qua, trang Reuters đưa tin rằng, Nokia đã hoàn thành các cuộc đàm phán về việc cắt giảm nhân công tại nhà máy của hãng này ở Salo, Phần Lan, có thể khoảng 1.000 nhân viên sẽ bị sa thải.



Theo kế hoạch, quá trình cắt giảm này sẽ được diễn ra trong suốt năm nay, nhưng tập trung mạnh mẽ nhất vào giai đoạn cuối tháng Sáu. Việc cắt giảm mạnh tay nói trên diễn ra trong bối cảnh  Nokia đang phải trải qua giai đoạn tái tổ chức đầy khó khăn, dưới bàn tay lãnh đạo của vị “thuyền trưởng” mới Stephen Elop.



Không có ánh sáng từ Lumia



Trong tháng trước, Apple đã công bố lợi nhuận quý tăng gần gấp đôi trong quý 1/2012 càng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu này. Trong khi đó, đối thủ của iPhone – Lumia lại không thể chứng tỏ khả năng cạnh tranh mạnh mẽ.



Dòng sản phẩm Lumia đã thể hiện sự nỗ lực của Nokia và Microsoft trong phân khúc smartphone và ít nhiều cũng gây được sự chú ý của người dùng, nhưng đơn giản những gì Nokia tạo trên Lumia là không đủ và quá muộn, theo Nancy Utterback, nhà nghiên cứu chiến lược tín dụng của Aviva Invertors. Invertors cũng không loại trừ khả năng Nokia sẽ bị xuống cấp hơn nữa và công ty rất khó để có thể đảo ngược tình thế.



Theo nhà phân tích Andy Perkins, sáng thứ 6 (18/5), cổ phiếu của Nokia đã giảm 1,2% xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua và cảnh báo rằng, chi phí tái cơ cấu và những khoản lỗ có thể gia tăng tốc độ kéo doanh số bán hàng của công ty đi xuống.

 

Sự giảm sút tiếp theo có thể đủ đốt cháy hầu hết lượng tiền mặt hiện có của Nokia và thậm chí đưa ra một sự hoài nghi về sự sống còn của Nokia. Nếu Nokia thành công trong việc kìm hãm tốc độ “đốt cháy” lượng tiền mặt dự trữ, hãng sẽ không phải đối mặt với khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu ngắn hạn.


Tuy nhiên, cơ hội để Nokia hồi phục lại là rất khó khăn cho dù các nhà phân tích dự đoán rằng, lượng điện thoại Nokia bán ra trong năm tới là 46 triệu chiếc, trong khi năm nay ước tính là 20 triệu chiếc. Hy vọng, Nokia sẽ không lặp lại bi kịch của Palm.

 

 

Theo VnMedia

 

 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo