Thực hư lỗ - lãi của Petrolimex
Bộ Tài chính cho hay: Kết quả kiểm toán của Deloitte chỉ rõ báo cáo tài chính của Petrolimex qua các năm 2008, 2009, 2010 cho thấy doanh nghiệp này đều có lãi. Năm 2008, kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 376 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 1.018 tỷ đồng; Năm 2009, kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 557 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 3.217 tỷ đồng.
Năm 2010, kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 486 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 81 tỷ đồng.
Riêng sáu tháng đầu năm 2011, theo báo cáo hợp nhất của Petrolimex (gồm văn phòng Tổng công ty và 42 công ty thành viên), kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỷ đồng. Khoản lỗ này có hai nguyên nhân. Về chủ quan, do Petrolimex chi trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định.
Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2011, mức chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của Petrolimex vượt so với chi phí kinh doanh định mức quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC, tổng số tiền là: 516.168.061.612 đồng. Việc này là do Tổng công ty đã chi phí thù lao đại lý cho tổng đại lý, đại lý có thời điểm cao, thậm chí có thời điểm cao hơn mức chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (600 đồng/lít với xăng, điezen, dầu hỏa; 400 đồng/kg với madut).
Về khoản lỗ do tỷ giá, với nguồn xăng dầu chiếm 75,81% tổng khối lượng nhập khẩu và mua trong nước, tổng lượng ngoại tệ nhập xăng dầu của Petrolimex phải vay (và có một phần mua) của ngân hàng để thanh toán cho nhà cung cấp xăng dầu nước ngoài từ đầu năm đến 15/9 là 3.979 triệu USD, trong đó sáu tháng đầu năm là 2.974 triệu USD.
Theo đó, con số trên đã làm phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá (sau khi đã bù trừ lãi chênh lệch tỷ giá) của Tổng công ty là 1.425 tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng số lỗ kinh doanh xăng dầu.
Năm 2012, chi phí sản xuất điện tăng trên 10%
Theo Bộ Tài chính, việc tính toán giá thành và giá điện năm 2012 được căn cứ trên cơ sở một số thông số đầu vào cơ bản như: giá than mới, giá dầu FO (ma dút) và DO (đi-ê-den), giá khí...
Đồng thời, để cân bằng tài chính một phần cho EVN, giảm dần khoản chi phí còn treo lại chưa tính hết vào giá bán điện từ năm 2010, cần phải phân bổ một phần các chi phí vào giá thành điện năm 2012 như: Phân bổ số lỗ sản xuất, kinh doanh điện năm 2010 do phát điện giá cao; phân bổ chênh lệch tỷ giá tính đến 31-12-2010; phân bổ chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn từ 2010 trở về trước...
“Với các nguyên tắc tính toán như trên thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện 2012 dự kiến sẽ tăng ở mức trên 10%. Về mức tăng giá bán điện cụ thể và thời điểm thực hiện sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhưng không cao hơn mức tăng 15,28% của lần điều chỉnh giá trước”, Bộ Tài chính khẳng định.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo