Khám phá

Thực trạng thương tâm của voi hoang dã ở Việt Nam

Chính bởi nạn phá rừng, săn bắn trái phép diễn ra triền miên nên những con voi ở Việt Nam đang ngày một tiến tới bờ vực nguy hiểm….

 Ai trong chúng ta cũng biết rằng, voi là người bạn thân trung thành của người Việt cổ, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận đuổi giặc phương Bắc, đoàn tượng binh của Quang Trung giúp vua thống nhất sơn hà... đã trở thành những hình ảnh biểu tượng của cả dân tộc ta.

 
Tuy nhiên, số lượng cá thể voi ở Việt Nam ngày nay đang sụt giảm nghiêm trọng - chúng đang kêu khóc. Chính sự xâm lấn môi trường sống, phá rừng, nạn săn bắn trái phép, buôn lậu ngà voi... đã đẩy những con vật to lớn trên tới bờ vực của sự tuyệt chủng...
Tây Nguyên vốn được mệnh danh là "thủ phủ voi" của Việt Nam nhưng có lẽ không lâu nữa, tất cả sẽ trở thành… truyền thuyết. Giữa thập niên 1980, ước tính ở Việt Nam có khoảng 1.500 - 2.000 cá thể voi tự nhiên. Trong khi đó, National Geographic ghi nhận hiện nay, số lượng còn lại chỉ khoảng 70 con, giảm hơn 20 lần so với thời điểm trước. 
 
 
Đáng buồn hơn, sự chính xác của con số 70 trên vấp phải nhiều sự nghi ngờ của giới chuyên gia nước ngoài. Meenakshi Nagendran - một nhà sinh học nghiên cứu động vật hoang dã của Mỹ cho rằng: "Nếu thật sự có 70 con voi ở Việt Nam và mọi người có ý thức bảo vệ môi trường sống của chúng, đàn voi tự nhiên ở Việt Nam đã có thể phục hồi từ lâu".Theo thống kê của nhiều tổ chức, ở Việt Nam thực chất chỉ còn khoảng 10-15 cá thể voi tự nhiên.
Bà Cao Thị Lý - trưởng khoa Tài nguyên rừng và Quản lý môi trường thuộc Đại học Tây Nguyên cho biết, hiện nay voi hoang dã ở Việt Nam sống ở khoảng 8, 9 khu vực rừng nhỏ, hẹp trên toàn quốc, bao gồm cả vùng rừng biên giới với hai quốc gia là Lào, Campuchia. Do đó, đàn voi tự nhiên rất ít được quan tâm cũng như hiệu quả của các khu bảo tồn thiên nhiên là rất thấp.
 
 
Một con số đáng giật mình là số lượng voi bị nuôi nhốt ở Việt Nam còn nhiều hơn cả đàn voi tự nhiên. Có khoảng 81 cá thể voi bị giam cầm phục vụ nhu cầu của con người như diễn xiếc, trưng bày trong vườn thú, các khu du lịch… Ngày 9/4/2013, chú voi cái 63 tuổi tên Buôn Nhang tại bản Đôn đã chết vì phục vụ du khách quá sức.
 
Nghiên cứu của bà Lý năm 2012 cho biết, đàn voi hoang dã của Việt Nam đang rơi vào cuộc sống bị cô lập hoàn toàn. Ở một số tỉnh như Nghệ An, chỉ có từ 6-10 con voi sống trong một khoảng không gian nhỏ. Thậm chí ở Sơn La, Lâm Đồng, chỉ có 1 - 2 cá thể voi tồn tại. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới khả năng duy trì nòi giống của những đàn voi hoang dã.
Buôn bán ngà voi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2010, Hải quan Hải phòng đã bắt giữ 4 vụ buôn lậu ngà voi với khối lượng là 5,3 tỷ tấn. 
 
Vào thời điểm đó, 1kg ngà voi cắt miếng có giá tới 1.863USD (gần 40 triệu đồng). Khoản lợi nhuận khổng lồ này khiến nhiều người bất chấp tất cả để sát hại voi rừng.Tuy nhiên, loài voi không im lặng. Chúng phản ứng bằng cách chống lại con người. Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, có không dưới 10 lần các đàn voi rừng tấn công nhiều bản làng trên cả nước vì chúng không còn đất sinh sống, vì nạn săn bắt trái phép của những tên lâm tặc hám lợi. Song tình trạng cho tới giờ vẫn không mấy được cải thiện. 
Hiện nay, trong Sách đỏ, voi được liệt vào danh sách những loài động vật  ở tình trạng "cực kỳ nguy hiểm", ngấp nghé bờ vực tuyệt chủng. Chúng ta cần biết rằng, Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia Công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Điều này có nghĩa, tất cả hình thức buôn bán voi và các sản phẩm từ voi với mục đích thương mại đều bị cấm. 
Nhận xét về đàn voi rừng ở Việt Nam, ông Barney Long - một thành viên của Quỹ động vật hoang dã thế giới WWF chia sẻ: "Đàn voi ở Việt Nam đang rơi vào một cuộc khủng hoảng thầm lặng. Việt Nam có thể sẽ là nước đầu tiên ở châu Á đánh mất hết đàn voi hoang dã của mình".
 
* Trong trường hợp phát hiện các thông tin, hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới ngà voi và các loài động vật hoang dã, hãy gọi về đường dây nóng miễn phí 1800 1522 để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Theo ( Vietnamnet )
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo