Lâm Đồng sẵn sàng đầu tư AI để bảo vệ thương hiệu nông sản
DNVN - Trước tình trạng thương hiệu nông sản Đà Lạt bị làm giả, nhập lậu trong thời gian dài gây nhiều hệ luỵ cho nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng, tỉnh Lâm Đồng cho biết sẵn sàng chi ngân sách thích đáng cho dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo vệ thương hiệu nông sản.
Thương hiệu xa xỉ Cartier mở cửa hàng mới tại TP Hồ Chí Minh / Brand Finance: Viettel xếp thứ hai thế giới về sức mạnh thương hiệu viễn thông
Hàng giả "đội lốt" hàng thật, doanh nghiệp bức xúc
Tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Đà Lạt đã diễn ra trong suốt hơn 10 năm qua. Nhiều sản phẩm nông sản như khoai tây, cà rốt, dâu tây, và rau củ đã bị làm giả, nhập lậu từ Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Đà Lạt”.
Tại tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt” ngày 26/9, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định, việc giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt không chỉ gây thiệt hại cho nông dân địa phương mà còn đánh lừa người tiêu dùng cũng như làm giảm uy tín của nông sản Việt Nam.
Ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: plo.vn)
Bà Lương Thị Yến Vân - Giám đốc HTX Vườn Nhà Đà Lạt cho biết rất bức xúc khi nông sản Đà Lạt bị giả mạo. Không những khoai tây mà các loại dâu tây và rau cũng bị giả mạo thương hiệu.
"Riêng HTX của tôi đã làm mã QR quét để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những cơ sở bán các loại không có nguồn gốc và vẫn dán tem hay nhãn nông sản Đà Lạt, gây bức xúc cho nhà nông và cả người dùng", bà Vân chia sẻ.
Do đó, Giám đốc HTX Vườn Nhà Đà Lạt bày tỏ mong muốn các cơ quan ban ngành có biện pháp bảo vệ nông sản Đà Lạt, có biện pháp giúp người tiêu dùng nhận diện đâu là hàng Đà Lạt đâu là hàng nhập khẩu để người dân chọn lựa.
Cùng quan điểm, ông Trần Huy Đường - Chủ nông trại Langbiang Farm, cũng bức xúc vì khoai tây, cà rốt, nho, táo, lê… rất nhiều loại nông sản bị giả mạo xuất xứ, hàng nhập khẩu nhưng “đội lốt” hàng Đà Lạt.
Một trong những nguyên nhân chính của gian lận thương mại là lợi ích kinh tế. Các tiểu thương nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc với giá rẻ hơn đáng kể, sau đó "đội lốt" hàng Đà Lạt để bán với giá cao hơn, hưởng chênh lệch lên đến 66%. Trong khi đó, người tiêu dùng không nhận biết được hàng giả, do thiếu thông tin về nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Đình Thiện - Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, tình trạng "đội lốt" này vẫn diễn ra do thiếu sự kiểm soát chặt chẽ trong việc nhập khẩu và phân phối nông sản. UBND TP Đà Lạt đã nhiều lần ban hành chỉ đạo về việc cấm nhập khẩu khoai tây Trung Quốc và tăng cường kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, tình trạng gian lận vẫn diễn ra do chế tài chưa đủ mạnh và biện pháp kiểm soát chưa đồng bộ.
Ngoài ra, người tiêu dùng thường mua theo thói quen mà không có công cụ để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thông qua mã QR, mặc dù đã được một số HTX và trang trại áp dụng, vẫn chưa được triển khai triệt để và đồng bộ.
Xây dựng thương hiệu riêng cho mỗi nông trại
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến và giải pháp đã được đưa ra nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Theo ông Trần Huy Đường - chủ nông trại Langbiang Farm, việc mỗi nông trại cần xây dựng thương hiệu riêng là cần thiết.
Ông cho biết, nông dân Nhật Bản đã áp dụng phương pháp in hình chủ trang trại lên bao bì sản phẩm, kết hợp với mã QR để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Đây là một cách làm hiệu quả để chống lại hàng giả.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh và có biện pháp xử lý mạnh tay hơn.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đề xuất áp dụng hình phạt hành chính nặng hơn, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời nên công khai thông tin về các cơ sở vi phạm để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và xã hội.
Khoai tây Đà Lạt là 1 trong những nông sản Đà Lạt bị giả mạo xuất xứ trong thời gian dài.
Tến sĩ Đinh Quảng Anh đến từ Đại học Đà Lạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất hữu cơ. Ông cho rằng, chỉ khi nào nông sản Đà Lạt có chất lượng vượt trội, đồng thời giá thành sản xuất được hạ thấp, thì sản phẩm này mới có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), cho biết việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển chiến lược quảng bá thương hiệu là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh sử dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm chính hãng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể kết hợp phát triển du lịch, văn hóa cùng với nông sản.
“Mỗi sản phẩm nông sản Đà Lạt đều có một câu chuyện đằng sau, và việc kể lại những câu chuyện này trên bao bì sẽ giúp tạo ra sự kết nối với người tiêu dùng”, ông Hòa gợi ý.
Đặc biệt, một giải pháp hiện đại được ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu tại toạ đàm là việc xem xét là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt nông sản Đà Lạt với sản phẩm giả mạo xuất xứ. Ví dụ như khoai tây Đà Lạt có những đặc điểm khác khoai tây Trung Quốc về hình dáng, số mắt trên củ khoai, màu vỏ, màu ruột…
Tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để người tiêu dùng có thể quét bằng điện thoại thông minh nhận biết đâu là khoai Đà Lạt, đâu là khoai tây Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông S, dù đã làm việc với nhiều đơn vị và sẵn sàng chi ngân sách thích đáng cho dự án này nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Thông qua tọa đàm này, tỉnh thông báo vẫn đang tiếp tục kêu gọi các đơn vị tham gia nghiên cứu công nghệ AI cho mục đích bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo