Khám phá

Thương mại hóa chip điện tử “made in VietNam”

Con chip điện tử do người Việt Nam nghiên cứu và phát triển đã chính thức được Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch đưa vào thương mại hóa, cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.

Nằm trong Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TP.HCM, sáng 03/10, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, ĐH Quốc gia TP.HCM (ICDREC) đã tổ chức chương trình quảng bá và trao tặng Chip thương mại SG8V1 - KIT DE-SG8V2.

Tại buổi lễ, trung tâm ICDREC đã chính thức công bố Chip thương mại SG8V1, KIT DE-SG8V1 và những hỗ trợ kỹ thuật đi kèm như Môi trường thiết kế (IDE), Trình biên dịch (Compiler) do người Việt Nam nghiên cứu và phát triển. Đây là lần đầu tiên Chip vi xử lý của Việt Nam được chính thức đưa ra thương mại, sản phẩm Chip SG8V1 hoàn toàn có khả năng cạnh tranh về tính năng và giá thành so với các chip ngoại nhập.
 
 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 3/10.
 
Ngoài ra, khoảng 20 nhóm sản phẩm khác sẽ lần lượt được hoàn thiện và thương mại hóa trong thời gian tới, khẳng định tiềm năng ứng dụng, hiệu quả hoạt động trên hàng loạt thiết bị phần cứng của Chip SG8V1, tạo tiền đề phát triển các dòng chip thương mại khác của Trung tâm ICDREC.
 
Tại buổi lễ, Trung tâm ICDREC cũng đã trao tặng Chip thương mại SG8V1, KIT Phát triển & Giáo dục DE-SG8V1 cho đại diện 34 Trường ĐH–CĐ, trung học chuyên nghiệp, trung cấp dạy nghề và 25 tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp phát triển phần cứng, doanh nghiệp kinh doanh linh kiện điện tử tại TPHCM… Trong thời gian tới, Chương trình cũng sẽ được nhân rộng tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng.
 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao những nỗ lực và thành quả của ICDREC. Sự thành công của trung tâm đã tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, khẳng định tính đúng đắn của Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM.
 
Có thể nói, Chip thương mại SG8V1 khẳng định vị thế dẫn đầu của TP.HCM trong ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam, góp phần vào mục tiêu làm chủ công nghệ, đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM cũng như đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Sự kiện này cũng khẳng định, một hệ sinh thái về công nghiệp vi mạch Việt, một cộng đồng vi mạch Việt đã dần được hình thành và không ngừng lớn mạnh, nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.
Khám phá
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo