Thị trường

Tiền đóng BHYT ở Việt Nam chưa "thấm" vào đâu so với thế giới

(DNVN) - Thứ trưởng, Tổng GĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, ở các nước trên thế giới tiền đóng BHYT là rất cao. Ví dụ như Australia phải đóng 2.000 USD/1 năm, dù rất khó khăn nhưng họ chẳng kêu ca gì, ở Việt Nam mới tăng từ 3% lên 4,5% đã kêu là cao.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi Hội nghị cung cấp thông tin về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên vào chiều 16/9.

Có 8 tỉnh thu gộp BHYT 15 tháng

Thông tin tại Hội nghị, ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 15/9, cả nước chỉ có 8 tỉnh, thành thu BHYT theo 15 tháng, bao gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Quảng Trị, TP HCM. 

Trong khi đó, tại một số địa phương khác lại hướng dẫn thu theo 6 tháng hoặc 1 năm. Ngoài ra, có 5 tỉnh vẫn thu theo năm học và 50 tỉnh thành kết hợp nhiều phương thức thu hoặc thu theo 3 đợt.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VĂN HUY.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VĂN HUY.

Giải thích về nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt tại các địa phương trong việc thu BHYT HSSV trên, ông Liệu lý giải, mặc dù BHXH không quy định thu gộp 15 tháng nhưng do chưa được thông tin kịp thời nên khi triển khai, đơn vị BHXH và giáo dục ở tại 8 tỉnh, thành đã hướng dẫn thu BHYT gộp 15 tháng.

Ông Liệu phân tích, hầu hết thẻ BHYT của HSSV năm học 2014- 2015 có thời hạn kết thúc vào 30/9/2015. Do đó, năm học 2015- 2016, là năm chuyển giao thực hiện thu BHYT HSSV theo năm tài chính theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, HSSV tham gia sẽ phải đóng phí BHYT của năm học này lên tới 15 tháng (kể từ ngày 1/10/2015 đến ngày 31/12/2016) với số tiền phải đóng là 543.375 đồng. Do vậy, mức thu là 15 tháng đã diễn ra ở một số tỉnh, thành.

Cũng theo ông Liệu, việc thu BHYT hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện của từng nhà trường, địa phương, mỗi nơi chủ động cách thu khác nhau cho phù hợp. Tại nhiều địa phương, cơ quan BHXH phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND hướng dẫn thu đóng BHYT phù hợp với điều kiện địa phương. 

"Lường trước những khó khăn phát sinh trong năm học 2015- 2016- giai đoạn chuyển tiếp hai phương thức đóng này, BHXH Việt Nam đã có Công văn trong đó đề nghị Bộ Y tế tiếp tục cho thực hiện thu BHYT HSSV linh hoạt nhiều hình thức như: theo năm tài chính hoặc năm học, khóa học", ông Liệu cho hay.

Thấm vào đâu so với thế giới

 

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHYT cho HSSV là bảo hiểm an sinh thiết yếu nhất, là chính sách an sinh quan trọng chỉ sau cơm ăn, nước uống với mỗi người.

Ở các nước khác trên thế giới, việc đầu tiên đi học là đóng BHYT và đóng ở mức rất cao. Ví dụ, ở Australia chẳng hạn, ở nước này bình quân mỗi HS-SV phải đóng 2.000 USD/năm, dù rất nhiều gia đình khó khăn nhưng họ chẳng kêu ca gì. Ở Việt Nam, chúng ta có tăng tỉ lệ đóng lên 50% (từ 3% lên 4,5%) nhưng tính số tiền thực tế cũng chỉ 100.000 đồng lại kêu là cao. Trong khi những nhóm yếu thế, con em người có công đã được nhà nước hỗ trợ 100%; HSSV được hỗ trợ 30%,” bà Minh chia sẻ.

Cũng theo bà Minh, ở các nước khác trong khu vực họ cũng có tỉ lệ đóng BHYT rất cao như Thái Lan 6-8%, Trung Quốc 11%... và họ đóng theo thu nhập thực tế chứ không phải theo lương cơ sở như ở Việt Nam.

Tại buổi, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng thừa nhận trách nhiệm trong  việc tuyên truyền, khiến một số giáo viên và hiệu trưởng chưa hiểu và thu 15 tháng. 

Về việc nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục đang "thu hộ" tiền BHYT giúp BHXH Việt Nam, bà Minh cho rằng điều đó là không đúng, bởi theo bà Minh, đây chính sách an sinh nên trách nhiệm thực hiện là của toàn hệ thống chính trị.

 

Theo bà Minh, theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014, trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc thực hiện thu BHYT khá rõ ràng. Cụ thể, việc lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; Cơ sở giáo dục có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, nếu như năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT, năm học 2012-2013 là khoảng 80%, năm học 2013-2014 là 85% đến năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5% tương ứng với khoảng 15 triệu HSSV có thẻ BHYT (trong đó 12,3triệu HSSV đang tham gia tại nhà trường và 3,7 triệu HSSV tham gia BHYT tại các nhóm khác).

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các Sở Giáo dục, các trường đại học, cao đẳng hướng dẫn thu bảo hiểm y tế. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên, gia đình người học và thực hiện nghiêm túc Luật BHYT sửa đổi, Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương tổ chức thu tiền BHYT của học sinh, sinh viên 6 tháng một lần; tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cũng yêu cầu sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ Bảo hiểm y tế cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Phần kinh phí đó được chi mua thuốc, vật tư y tế, sửa chữa trang thiết bị... phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bị tai nạn thương tích và các bệnh thông thường trong thời gian học tập, làm việc tại trường.

Bộ Giáo dục cũng đề nghị liên Bộ Y tế, tài chính sửa đổi, bổ sung, phương thức đóng Bảo hiểm y tế đối với đối tượng là học sinh, sinh viên là 3 tháng một lần. Thời gian thu đối với các cơ sở giáo dục vào khoảng đầu tháng 12 của năm dương lịch. Tránh thu tập trung vào đầu năm học, làm tăng áp lực tài chính đối với học sinh, sinh viên và gia đình người học. Các cơ sở giáo dục, đào tạo không tổ chức thu các khoản bảo hiểm tự nguyện. 

 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo