Thị trường

Tiêu thụ vải thiều Bắc Giang: Vừa được mùa vừa được giá

(DNVN) - Đầu tháng 7, lúc thời tiết đang ở vào những ngày nóng nhất trong năm thì các vườn vải trên địa bàn tỉnh đã đi vào cuối vụ. Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung việc vải thiều năm nay vừa được mùa, vừa được giá.

Sản lượng tăng cao, giá ổn định
Theo số liệu của Sở Công thương Bắc Giang, tính đến thời điềm cuối tháng 6, các huyện Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Bắc Giang, Việt Yên đã tiêu thụ hết vải, huyện Lục Nam, Sơn Động cũng tiêu thụ gần hết vải. 

Tính đến ngày 7/7, sản lượng vải thiều thu hoạch toàn tỉnh ước đạt 190 nghìn tấn, tương đương năm trước. Vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang khoảng 92 nghìn tấn; xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Australia, Pháp, Anh... đạt 150 tấn; vải thiều chế biến  6,2 nghìn tấn. Còn lại là tiêu thụ nội địa, chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2015 tăng cao, giá cả ổn định hơn các năm trước.
Sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2015 tăng cao, giá cả ổn định hơn các năm trước.

Theo Sở Công thương Bắc Giang, vải tươi được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. 

Không chỉ tiêu thụ nội đia thuận lợi, tình hình xuất khẩu cũng ngày càng được cải thiện. Vải thiều Bắc Giang chủ yếu được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Lào, Mỹ, Pháp, Úc, Anh, Malaysia…

Trong đó,  tại thị trường Trung Quốc, theo thống kê tại các cửa khẩu: tại cửa khẩu Lạng Sơn, lượng vải thiều xuất qua đến ngày 23/6/2015 sản lượng 23.000 tấn. Giá trung bình từ 17-25.000 đồng/kg. Tại cửa khẩu Lào Cai, lượng vải thiều xuất khẩu qua là 21.000 tấn. Giá trung bình từ 20-28.000 đ/kg. Qua cửa khẩu Hà Giang với số lượng ít 1.100 tấn. Tổng lượng vải thiều xuất qua 3 cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai, Hà Giang trên 45.000 tấn, chiếm gần 36% tổng sản lượng tiêu thụ của tỉnh (126.600 tấn).

Thị trường ÚC, Anh: Công ty TNHH SX TMDV Rồng Đỏ đã xuất khoảng 50 tấn sang 2 thị trường Anh và Úc. Tại thị trường Úc, Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (FOSTI CO., LTD) đã xuất khẩu 2 lô bằng đường hàng không vải thiều qua chiếu xạ, với sản lượng 2,7 tấn sang thị trường này, dự kiến đến cuối vụ 2015 công ty sẽ xuất khoảng 10 tấn vải thiều tươi nữa sang Úc. Công ty Thiên Anh Minh đã xuất 1 tấn vải thiều Global Gap qua chiếu xạ bằng đường hàng không sang thị trường Úc, dự kiến đến 26/6 sẽ đi thêm 2 tấn nữa.

Về mặt giá cả, theo Sở Công thương Bắc Giang, hiện tại, đang là thời điểm cao điểm thu hoạch vải thiều tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam. Giá cả tương đối ổn định, người dân bán được giá cao. 

 

Thương nhân Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt thu mua với sản lượng lớn và giá cả ổn định, với mức giá tương đối cao, đảm bảo người dân trồng có lãi. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, giá vải thiều được tiêu thụ tương đối ổn định, bán được giá cao, cao hơn năm 2014 từ 3-5.000đ/kg. Giá vải loại I dao động từ 17- 30.000đ/kg. Vải loại II từ 7-13. Tại các cửa khẩu, giá dao động từ 15-40.000đ/kg.

Vẫn còn nhiều tồn tại

Theo đánh giá của Sở Công thương Bắc Giang, từ đầu vụ, công tác tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá bán hiện tại người dân trồng vải đã có lãi; giá bán tương đối ổn định, không có hiện tượng ép cân, ép giá.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu tại các cửa khẩu diễn ra thuận lợi, nhanh chón do có sự chuẩn bị, các sản phẩm phụ trợ như đá, thùng xốp có nguồn cung ứng dồi dào, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng và tăng giá như các năm và được UBND tỉnh, các ngành chức năng và UBND các huyện tích cực, chủ động hỗ trợ công tác tiêu thụ vải thiều.

Tuy nhiên, Sở Công thương Bắc Giang cũng cho biết, chất lượng quả vải không đồng đều. Trong khi tại địa bàn Lục Ngạn, Lục Nam, nông dân quan tâm đầu tư thâm canh và có thu nhập cao từ vải thiều thì tại một số địa phương khác, bà con chưa chú trọng đầu tư cho cây trồng này. 

 

Do đó, giá vải thiều tại Lục Ngạn có thể lên đến hơn 30 nghìn đồng/kg cao gấp 3, thậm chí 4 lần tại Yên Thế, Lạng Giang hay Sơn Động. Vải thiều xuất khẩu chủ yếu là của Lục Ngạn, Tân Yên; còn các huyện khác rất khó có thể xuất khẩu do không bảo đảm chất lượng, mẫu mã. Khâu chiếu xạ để xuất khẩu vải thiều phải thực hiện tại TP Hồ Chí Minh khiến chi phí vận chuyển tăng cao; việc vận chuyển đường xa cũng ảnh hưởng tới chất lượng quả. 

Hiệp định thương mại Việt Nam - Trung Quốc quy định việc thông quan người và hàng hóa tại các cửa khẩu khác nhau khiến chủ hàng gặp khó trong việc quản lý hàng hóa. Dù đã thành lập các tổ liên ngành để giải tỏa hành lang an toàn giao thông nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra trong vụ vải thiều, nhất là tại một số điểm tập trung nhiều điểm cân ở huyện Lục Ngạn như: Xã Phượng Sơn, Hồng Giang, thị trấn Chũ..

Trao đổi với ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương được biết, để phục vụ việc chiếu xạ cho vải thiều Bắc Giang, ngành chức năng đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, vải, nhãn xuất khẩu đi Mỹ, Australia sẽ không cần vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh. 

"tới Sở Công thương sẽ kiến nghị với các bộ, ngành liên quan làm việc với nước bạn Trung Quốc về việc cho phép chủ hàng đi cùng với hàng hóa để tiện bảo quản. Tỉnh cũng không có chủ trương mở rộng vùng trồng vải thiều mà tiếp tục nâng diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP không chỉ tại huyện Lục Ngạn nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững phục vụ xuất khẩu", ông Hùng cho biết.

Lanh Chanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo