Tín dụng đen tấn công trường học
Thực chất đây chính là hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, được biến tướng trá hình dưới các cơ sở cầm đồ. Điều nguy hại là cơn bão tín dụng đen đang tấn công các trường đại học khiến nhiều sinh viên rơi vào cảnh khốn đốn vì nợ nần.
Vay 1 triệu, tiền lãi 15.000 đồng/ngày
Nếu quan sát có thể thấy, xung quanh các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, các cửa hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi mọc lên nhan nhản. Các hàng nước giải khát, quán cơm ven các trường cũng kiêm luôn cho vay nặng lãi. Thậm chí còn có cả loại hình cho vay di động, cho vay bằng những “mối quan hệ” quen biết, không cần thế chấp mà cũng chẳng cần tín chấp. Sinh viên cần tiền ư? Chỉ cần alo là sẽ có người mang tiền đến tận nơi.
Sinh viên Nguyễn Thế Huy, Đại học Giao thông Vận tải cho biết: Với sinh viên giờ vay tiền quá dễ, chỉ cần tấm thẻ sinh viên kèm theo chứng minh thư là muốn vay bao nhiêu cũng được. Nhưng việc vay tiền dễ dàng như vậy cũng thật là khủng khiếp bởi với mức lãi suất cao ngất như hiện nay thì chẳng khác nào một chiếc thòng lọng ngày càng siết chặt vào cổ người vay. Huy cũng cho biết cách đây vài tháng, vì cần tiền, em có nhờ bạn bè giới thiệu chị Nguyễn Hương L chuyên cho sinh viên vay với lãi suất 15.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Em vay 4 triệu đồng, vì không có tiền để thanh toán nên sau 3 tháng lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ đã lên đến hơn 15 triệu đồng. Em mất ăn mất ngủ, bỏ thi vì không có tâm trí để ôn bài mỗi khi nghĩ đến số tiền nợ quá lớn. Thậm chí còn phải đối phó với những cuộc truy lùng ráo riết của tay chân chủ nợ. Cuối cùng đành phải gọi điện về nhà nói hết với bố mẹ để xin tiền trả nợ.
Có một thực tế hiện nay là bên cạnh những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực sự, thì cũng có những sinh viên do sống cuộc sống xa gia đình lại đua đòi lêu lỏng thích ăn chơi, thậm chí cũng không ít sinh viên là đệ tử của cờ bạc. Nắm bắt được điều này, dân “tín dụng đen” cũng đã tìm mọi cách để biến những “con mồi” này tình nạn nhân của vay nặng lãi. Thậm chí dân tín dụng đen còn “thả thính” để cho các “con gà” cắn câu. Ban đầu cho vay với lãi suất thấp. Vay được tiền đánh bạc thua, ham gỡ, lại vay tiếp và cứ thế sinh viên lao vào vòng xoáy nợ nần lúc nào không biết. Đến khi nhận ra thì đã quá muộn, số tiền nợ đã vượt ngoài khả năng trả nợ của cả gia đình.
Nguyễn Minh H, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân sụt 15kg chỉ trong 2 tháng. Do bị thua cờ bạc, H liều vay 20 triệu đồng để gỡ gạc. Không ngờ số tiền ấy cũng bị nướng luôn vào ván bài đêm đó. Không có tiền trả, lại thường xuyên bị chủ ép trả nợ, H trốn đi Lào Cai. Chủ nợ về tận nhà đòi nợ. Mẹ H vật vã mấy ngày trời vì không biết “đào” đâu ra 30 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Cuối cùng bà đành phải bán hết 3 tạ thóc, 1 con lợn và đàn gà trong nhà, vay thêm họ hàng để đem tiền lên nộp cho chủ nợ.
Tuyệt chiêu bắt “tiền đẻ ra tiền”
Máy tính, xe máy là hai thứ sinh viên hay cầm nhất. Không những thế còn có các chủ quán tạp hóa lớn, chủ tiệm internet, tiệm mua bán và sửa chữa máy tính nhận cầm đồ của sinh viên. Giá cầm máy tính thường dao động 3 - 5 triệu đồng tùy loại máy với lãi suất 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Xe máy thì 5 - 12 triệu đồng tùy loại xe với lãi suất 70.000 đồng/tháng/1 triệu đồng. Với lãi suất trên, đã có nhiều sinh viên vì không có tiền đã chấp nhận bán rẻ những chiếc xe, máy tính mà gia đình đã chắt góp mua cho.
Trung bình khi thế chấp một thẻ, mỗi sinh viên vay được 10-50 triệu đồng. Trong đó, thẻ sinh viên của Trường Đại học Sư phạm là “có giá trị đảm bảo” nhất. Sinh viên không học trường “xịn” nhưng xuất thân từ gia đình “xịn” (giàu có, bố mẹ buôn bán, cán bộ) thì có thể “linh động” vay tới hàng trăm triệu đồng. Sinh viên vay tiền một cách dễ dàng, bù lại, họ sẽ phải gánh lãi suất cao ngất ngưởng và những chiêu tính nợ cực kỳ cao tay của các chủ nợ. Thông thường vay 1 triệu đồng thì số tiền lãi một ngày là 20.000 đồng, mỗi tháng trả lãi 600.000 đồng, như vậy là 60%, một năm là 720%. Nhưng cách tính lãi “cắt cổ” này chưa phải là tác nhân đẩy sinh viên vào con đường lao đao, khốn đốn. “Tuyệt chiêu bắt tiền đẻ ra tiền” của chủ nợ là không ghi mức lãi suất trên tờ giấy vay nợ ban đầu nhưng nếu qua ngày hẹn mà sinh viên không trả thì chủ nợ sẽ bắt con nợ viết giấy vay mới với số nợ mới là cả vốn lẫn lãi của số vay cũ với mức lãi suất do chủ nợ tự nghĩ ra.
Bi kịch sinh viên bị săn trả nợ
Lâu nay, việc vay nợ, cầm đồ đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong giới sinh viên nhiều trường đại học. Nhưng cũng vì vay nợ, nhiều sinh viên đã sập bẫy cho vay nặng lãi của chủ nợ, để rồi nợ chồng chất và rơi vào thảm cảnh: muốn học tiếp cũng không được mà bỏ cũng không xong vì bị chủ nợ truy đuổi và bức nợ. Đặc biệt, mùa thi đến với các trường đại học, cao đẳng trong địa bàn Hà Nội cũng là lúc bi kịch sinh viên vay nợ nặng lãi được phát hiện.
Nhiều sinh viên rơi vào thảm cảnh nợ nần. Các chủ nợ đánh giấy về trường, về khoa, nhiều sinh viên bị đình chỉ thi, số thì bỏ của chạy lấy người, muốn học tiếp không được mà bỏ cũng không xong. Năm nào cũng vậy, đến mùa thi, cuối năm học là chuyện săn tìm sinh viên vay nợ lãi lại rộ lên. Có sinh viên không dám đến trường thi vì ngày nào chủ nợ cũng cắt cử người đợi ở cổng trường. Bi kịch là nhiều em phải bỏ học, bỏ thi, bị đình chỉ thi. Theo một chủ nợ, mùa thi năm nào cũng có trên chục con nợ bị đình chỉ thi, ngoài ra số bỏ học, trốn nợ cũng không dưới 20 con nợ. Bi kịch là ở chỗ, nhiều sinh viên đã bỏ học, rồi trốn đi biệt tích cũng không thoát nợ, bởi sau đó các chủ cho vay nặng lãi tìm về tận quê đem giấy nợ ra “hành” chính các bậc phụ huynh nghèo đói nơi quê mùa.
Quản lý thế nào?
Có một thực tế là dù hoạt động cầm đồ với quy mô và phạm vi rộng hơn là cho vay nặng lãi hiện đang phát triển nở rộ và cũng là nơi phát sinh tội phạm nhưng việc xử lý đối với những cơ sở cầm đồ, hoặc cho vay nặng lãi còn gặp nhiều khó khăn. Luật sư Đoàn Văn Cường, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Thực tế ở nước ta rất khó bị xử lý về tội cho vay nặng lãi bởi việc chứng minh tội phạm này không đơn giản… Hiện nay, các hiệu cầm đồ thường cho vay với mức lãi suất cao nhưng thực tế chưa có ai bị xử lý hình sự vì thiếu quy định pháp luật cụ thể về đối tượng này.
Thành phố Hà Nội có khá nhiều hiệu cầm đồ.
Trong khi đó ông Phạm Xuân Lai, Trưởng Công an phường Bạch Mai, một địa bàn có khá nhiều hiệu cầm đồ cũng cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, tiệm cầm đồ phát triển mạnh. Hiện tại trên toàn phường có 30 cơ sở. Năm 2011 đã phải xử lý 19 cơ sở và năm 2012 là 12 cơ sở kinh doanh không đúng quy định pháp luật, trong đó phát hiện 2 vụ phạm tội. Tuy nhiên, hoạt động cầm đồ khá phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực phạm tội khác như vay nặng lãi, cá độ bóng đá, lô đề, cờ bạc… Lực lượng công an cũng đã vào cuộc không ít vụ việc liên quan đến các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật, chiếm đoạt tài sản... mà tài sản phạm tội được tiêu thụ tại các hiệu cầm đồ. Điều đó cho thấy hoạt động cầm đồ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự.
Dù đã có nhiều vấn đề nhức nhối nảy sinh xung quanh hoạt động này, nhưng theo quy định hiện hành, cá nhân hoặc doanh nghiệp nếu đủ điều kiện muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ chỉ cần lên Phòng Kinh tế quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch - Đầu tư làm giấy phép đăng ký kinh doanh. Tiếp đó lên công an cấp quận, huyện làm thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, trong đó cá nhân hoặc doanh nghiệp đó phải xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký hoạt động, đăng ký thuế, chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy… Và nếu như có sai phạm bị xử lý, chủ hiệu cầm đồ lại có thể đăng ký mới đứng tên người khác và tiếp tục hoạt động.
Đã đến lúc cần siết chặt hoạt động kinh doanh cầm đồ. Mà biện pháp quan trọng là phải tăng các điều kiện cấp phép kinh doanh cầm đồ và quy định số lượng nhất định, không nên để các cửa hiệu kinh doanh cầm đồ mọc lên nhan nhản như hiện nay. Bên cạnh đó, đối với hành vi cầm cố tài sản do phạm tội mà có, chủ hiệu cầm đồ chỉ bị phạt tiền từ 5-15 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6-9 tháng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng kinh doanh vi phạm pháp luật. Không những thế, hoạt động kinh doanh cầm đồ hiện nay còn biến tướng, trá hình dưới hình thức “cầm đồ di động”, “cầm đồ qua điện thoại”, thậm chí “cầm đồ ở quán nước”, “cầm đồ ở cửa hàng internet”...
Rõ ràng như vậy thì các đối tượng kinh doanh cầm đồ không cần phải cửa hàng kinh doanh, không cần phải xin giấy phép vẫn có thể hoạt động cầm đồ. Thường các đối tượng này là “anh em, họ hàng” hoặc có “mối quan hệ”, là đường dây của các cơ sở cầm đồ đã được cấp phép. Như vậy việc quản lý sẽ hết sức khó khăn đối với các cơ quan chức năng.
Hoạt động cầm đồ hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, là nơi phát sinh tội phạm và có liên quan đến nhiều hoạt động phạm tội như tín dụng đen, cá độ, lô đề, cờ bạc… Đặc biệt khi hoạt động này tấn công vào các trường học đã gây ra những hệ lụy khiến nhiều sinh viên điêu đứng, bỏ bê sự nghiệp học hành. Chính vì thế cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần phải hạn chế đến mức thấp nhất việc cấp phép kinh doanh cầm đồ. Đồng thời rà soát các hiệu kinh doanh cầm đồ hiện nay và xử lý nghiêm các chủ kinh doanh vi phạm. Nếu cần thiết thì có thể xóa bỏ dịch vụ này.
Thảo Nguyên (Theo Infonet)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?