Bổ sung nhân lực thiếu hụt cho đăng kiểm
Ra mắt 'Câu lạc bộ 5 nhà' hỗ trợ nông dân / Bộ Y tế công bố danh mục 78 dược chất, thuốc chứa dược chất bị cấm sử dụng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 121/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8/6/2023.
Đây được coi là giải pháp căn cơ nhằm giải tỏa ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước trước thực trạng thiếu hụt đăng kiểm viên hiện nay. Xoay quanh nội dung về những giải pháp triển khai nghị định này, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong bối cảnh các vụ án liên quan đến đăng kiểm vẫn đang tiếp diễn, theo ông, năng lực của hệ thống kiểm định hiện ra sao?
Từ năm 2023 đến năm nay, số lượng bị xét xử, khởi tố liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm khoảng 900 người; trong đó, hầu hết là đăng kiểm viên. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn liên tục tuyển sinh, đào tạo, tập huấn, đánh giá và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên để bổ sung vào hệ thống khoảng 500 người, tương đương hơn nửa nhân lực thiếu hụt trước đó. Với lượng nhân lực này, các trung tâm đăng kiểm cơ bản đang dần hoạt động trở lại.
Thống kê tại thời điểm hiện tại, cả nước đã có 278/298 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với tổng nhân lực khoảng 1.900/2.014 đăng kiểm viên. Lượng xe đến kiểm định lớn nhất hiện cũng chưa bằng 70% năng lực toàn hệ thống và như vậy vẫn dư công suất kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm.
Tuy nhiên, số lượng đăng kiểm viên giữ vị trí lãnh đạo và đăng kiểm viên cấp cao chiếm lượng lớn trong số đăng kiểm viên bị xét xử, khởi tố cũng khiến cho hoạt động của các trung tâm đăng kiểm vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như hoạt động không hết công suất… Việc bổ sung nguồn lực đối với những vị trí này được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định là việc làm thường xuyên, liên tục nhưng chưa thể kịp ngay được, sẽ phải tiếp tục trong thời gian tới.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Nghị định số 121/2024/NĐ-CP trong việc giải toả ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước?
Nghị định số 121/2024/NĐ-CP với nhiều sửa đổi, bổ sung mang tính then chốt đã gỡ được những nút thắt trong việc đảm bảo duy trì hệ thống kiểm định thời quan qua.
Bởi, như quy định trước đó, khi phương tiện đến đăng kiểm gia tăng trở lại vào các tháng cuối năm trùng với thời điểm các vụ án đăng kiểm xét xử xong, các đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật khiến nguy cơ ùn tắc đăng kiểm những tháng cuối năm rất lớn.
Riêng về trung tâm đăng kiểm, nếu các kiểm định viên bị kết án đồng thời trong khoảng tháng 9 - 10/2024, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chỉ còn 2 trung tâm đăng kiểm hoạt động tại mỗi địa phương. Lúc này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lên kế hoạch phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Cục Xe - Máy (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) để chuẩn bị phương án tăng cường lực lượng trong tình huống xấu nhất để đảm bảo duy trì hệ thống kiểm định, phục vụ nhu cầu kiểm định chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Tuy vậy, với quy định không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ mà không cấm hành nghề; không tạm đình chỉ trong thời gian 3 tháng đối với các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ của Nghị định số 121/2024/NĐ-CP thì có thể khẳng định từ giờ đến cuối năm không xảy ra tình trạng ùn tắc đăng kiểm như đã dự báo.
Như vậy, vấn đề ùn tắc đăng kiểm tạm thời không đáng lo. Theo ông làm thế nào để nâng cao chất lượng, năng lực của hệ thống đăng kiểm trong thời gian tới?
Chuyển đổi số, hay nói cách khác là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành là một trong những mục tiêu trọng tâm, giải pháp cốt lõi đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam tích cực triển khai. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đăng kiểm phương tiện.
Theo đó, đổi mới công nghệ để tự động hóa tối đa nghiệp vụ đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động ứng dụng đăng ký đăng kiểm xe cơ giới trên các nền tảng di động. Ứng dụng này giúp người dùng dễ dàng đăng ký lịch đăng kiểm phương tiện online một cách nhanh chóng và tiện lợi. Không những thế, người dùng hoàn toàn có thể theo dõi các thông tin về đăng kiểm và thực hiện thanh toán chi phí đăng kiểm ngay trên ứng dụng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tiến tới triển khai cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử. Dự kiến từ nay đến năm 2026 sẽ nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động đăng kiểm. Từ đó, tiến tới xây dựng cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử, tích hợp trên ứng dụng VNEID tạo sự minh bạch, thuận tiện.
Cùng với đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục duy trì hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho các thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị trong thời gian tới đây.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Lúc này, cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý sẽ được kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong ngành giao thông vận tải để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam