Tin tức - Sự kiện

Cần Thơ phát triển cánh đồng lớn

Cần Thơ đang phát triển mạnh cánh đồng lớn, hình thành chuỗi giá trị từ SX đến thu mua, chế biến và XK theo hình thức khép kín. Chú trọng đến phẩm chất lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường XK.

Cần sớm ban hành giá mua bán điện mặt trời áp mái / Tuyên Quang: Chanh tứ mùa giúp nông dân hái ra tiền

13-27-43_nh_1_nong_dn_sx_lu_trong_cdl_o_tp_cn_tho
Nông dân SX lúa trong CĐL ở Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, từ vụ HT 2011, Cần Thơ bắt tay vào triển khai mô hình CĐL với diện tích 400ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, bước đầu đạt được những thành tựu đáng kể.

Phát huy những kết quả đạt được ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng mô hình và thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các vùng SX, nâng cao năng suất bình quân trong toàn thành phố.

Cần Thơ hiện có 87.988ha canh tác lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Ô Môn, Thốt Nốt… Mỗi năm, diện tích trồng lúa của toàn thành phố đạt trên 237.000ha, cho sản lượng gần 1,4 triệu tấn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Riêng năm 2019 đã thực hiện 309 mô hình CĐL. Bình quân mỗi vụ lúa trong năm trên dưới 25.000ha SX lúa theo mô hình CĐL. Hình thức liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản trong mô hình chủ yếu ký hợp đồng giữa DN và các THT, HTX SX trong CĐL về cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Ngoài ra SX lúa trong CĐL nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ghi chép sổ tay SX theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức thăm đồng, kiểm tra tình hình dịch hại, hướng dẫn các giải pháp xử lý đồng ruộng.

 

100% diện tích được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt gạo. Song giá bán lúa của bà con nông dân trong CĐL luôn cao hơn ngoài thị trường khoảng 100 - 200 đồng/kg.

Tham gia SX lúa trong CĐL nhiều năm qua của HTX Nông nghiệp An Xuân, huyện Vĩnh Thạnh ai nấy đều phấn khởi. Bởi vì lúa làm ra đều được đặt hàng, nên đầu ra rất yên tâm, giá bán lại cao hơn vài trăm đồng/kg lúa.

Ông Phạm Hữu Bích, GĐ HTX Nông nghiệp An Xuân cho biết: HTX hiện có 233 thành viên, diện tích SX 429ha. Mục tiêu của HTX là liên kết các hộ dân lại để SX theo mô hình CĐL nhằm hình thành vùng SX lúa sạch, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” giảm chi phí SX, tạo nguồn nguyên liệu lớn cung cấp cho DN, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm lúa.

Còn anh Lê Hữu Nghiệp ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: Trước đây SX lúa nông dân thường gặp khó khăn đầu ra. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, khi tham gia vào CĐL, tôi SX lúa theo đơn đặt hàng của DN và được DN cung cấp lúa giống, phân bón và thuốc BVTV... ngay đầu vụ. Đến cuối vụ DN bao tiêu sản phẩm đầu ra nên nhiều vụ lúa vừa qua tôi mạnh dạn đưa các loại lúa chất lượng vào SX nên cuối vụ bán được giá cao.

Có thể thấy, kết quả thực hiện CĐL đã hình thành nên chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua chế biến và xuất khẩu theo hình thức khép kín. Chú trọng đến phẩm chất lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu; giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật; doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ và là cơ hội đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất tạo đà phát triển theo hướng bền vững.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết, nông dân tham gia trong CĐL đều áp dụngquy trình SX mới như 100% sử dụng giống xác nhận, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng, giữa các khu vực chênh lệch từ 5 - 10 ngày, ứng dụng sạ hàng, sạ thưa tiết kiệm lúa giống so trước đây, đồng thời bón phân cân đối hơn, giúp lượng phân giảm đáng kể, nhất là phân đạm. Qua đó, chi phí SX giảm từ 4 - 10% so với ngoài mô hình. Năng suất tăng từ 0,07- 0,4 tấn/ha, lợi nhuận của nông dân trong mô hình cao hơn so với nông dân ngoài mô hình.

Ngoài ra, CĐL tạo môi trường nâng cao trình độ SX của nông dân về tổ chức, quản lý, nắm bắt thị trường, áp dụng khoa học công nghệ…. CĐL không chỉ tạo cơ hội khai thác thế mạnh của địa phương, màcòn tạo môi trường tích cực nâng cao kỹ năng SX và ý thức kỷ luật của nông dân, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống làm tiền đề giúp DN xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ thị trường trong nước và tham gia XK.

Theo ông Hè, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng quy mô CĐL, tạo nguồn hình thành vùng nguyên liệu SX hàng hoá tập trung trong đó thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình SX mới có năng suất, chất lượng cao. Tăng cường đầu tư phát triển cơ giới nhằm tăng hiệu suất lao động và áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật giảm chi phí SX...
Theo Lê Hoàng Vũ/Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm