Tin tức - Sự kiện

CẬP NHẬT: Tin áp thấp nhiệt đời khẩn cấp và các chỉ đạo ứng phó

Hồi 13 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Chủ tịch nước: “Báo chí là “tấm gương tinh thần” trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình” / Bộ Y tế đánh giá nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 ở mức cao


Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 160km, cách bờ biển Ninh Thuận khoảng 140km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

 

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 10,0 đến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Trên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Ngoài ra, ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Dự báo mưa lớn: Từngày mai (26/10) đến hết ngày 27/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa dự báo:

- Từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ: 100-200mm, có nơi trên 200mm;

 

- Từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên 150-250mm, có nơi trên 300mm.

Từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió đông.

Miền Trung mưa lớn hơn 940mm

Từngày 22/10 đến sáng sớm nay (25/10), khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa (tính từ 7h ngày 22/10 đến 07h ngày 25/10) phổ biến từ 250-500mm, có nơi trên 700mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 686.6mm, Thăng Bình (Quảng Nam) 940.8mm, Núi Thành (Quảng Nam) 844.6mm, Bình Khương (Quảng Ngãi) 847.0mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 808.4mm, An Nhơn (Bình Định) 595.0mm,…

 

Ở Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến (tính từ 7h ngày 22/10 đến 07h ngày 25/10) từ 50-130mm, có nơi trên 160mm như: Mỹ Chánh (Quảng Trị) 168.0mm, Xuân Lâm (Phú Yên) 262.0mm, Cù Mông (Phú Yên) 271.1mm, Vạn Thanh (Khánh Hoà) 255.4mm, Đại Lãnh (Khánh Hòa) 207.2mm, Pờ Ê (KonTum) 318.6mm, Ngok Tem (Kon Tum) 252.6mm,…

Dự báo: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao hoạt động yếu dần nên ngày và đêm nay (25/10) ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to; khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến ở:

- Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

- Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa từ 30-60mm, có nơi trên 80mm.

Ngoài ra, ngày vàđêm nay (25/10), ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa tập trung chủ yếu vào chiều và tối).

 

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Cảnh báo: Từ chiều mai (26/10) đến hết ngày 27/10, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to đến rất to.

Thời gian áp thấp nhiệt đới tác động đến đất liền rất nhanh;nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng tăng rất cao trong những ngày tới.

Nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt tăng rất cao trong những ngày tới

Nhận định về diễn biến áp thấp nhiệt đới, chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý: Áp thấp nhiệt đới hìnhthành ngay trên Biển Đông, thời gian tác động đến đất liền rất nhanh. Dự báo, trong ngày 25-26/10, áp thấp nhiệt đớidi chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc,tốc độ trung bình10-15km, hướng về khu vực Nam Trung Bộ.

Về cường độ, dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, với sức gió gần tâm bãomạnh cấp 8, giật cấp 10.

 

Vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, bão là vùng dễ chịu nhiều tổn thương do đã có mưa lớn, ngập lụt trong thời gian qua, vì vậy các địa phương cần lưu ý phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại.

Ông Trần Quang Năng cho biết: Hiện tại, theo dự báo, vùng ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão gồm các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiều đến đêm 26/10.

Do vậy, các vấn đề về tác động của cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão nàycần lưu ý với gió mạnh trên biển (vùng nguy hiểm trên biển) được dự báo từ vĩ tuyến 10,0 đến vĩ tuyến 14,0 độVĩ Bắc, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các vùng biểnnày sẽ chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.

Đối với đất liền, khu vực ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận dự báo có khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Ngoài ra, theo dự báo hiện nay, các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và Tây Nguyên sẽ có khả năng xảy ra mưa lớn trong trong khoảng ngày 26-27/10.

 

Vùng mưa lớn xảy ra đúng vào các khu vực có mưa rất lớn trong 3 ngày từ 22-25/10, trong điều kiện mưa liên tục nhiều ngày khiến nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng tăng rất cao trong những ngày tới.

Công điện chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Ngày 24/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 16/CĐ-TW 14h về chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Để chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành thực hiện một số nội dung sau:

Thực hiện nghiêm Công điện số 1420/CĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ để ứng phó, khắc phục tình hình mưa lũ và vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ trên biển Đông.

 

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và neo đậu tầu thuyền tại bến.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

 

Bộ Công an chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông

Ngày 24/10, Văn phòng Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các đơn vị, địa phương: Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động,Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ;Cục Cảnh sát giao thông,Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng,Cục Truyền thông Công an nhân dân,Cục Trang bị và Kho vận,Cục Viễn thông và Cơ yếu; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang và khu vực Tây Nguyên về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ khu vực Trung Bộ và sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão;Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Đối với khu vực Trung Bộ: Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng kịp thời sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã xảy ra mưa lớn vừa qua; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; giúp nhân dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai.

Triển khai ngay, kịp thời các phương án kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, đặt cảnh báo nguy hiểm, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa đảm bảo an toàn.

 

Trong trường hợp nguy hiểm, căn cứ tình hình thực tế mất an toàn các điểm xung yếu thì tổ chức điều hành giao thông theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, áp thấp nhiệt đới, bão để triển khai ngay các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, sơ tán nhân dân, kịp thời khắc phục sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động, bất ngờ. Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

Các đơn vị chức năng của Bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương trong trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ; có phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó với mưa lũ

Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Công điện số 1420/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.

 

Công điện gửi: Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và thành phố Đà Nẵng.

Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng, gia đình chính sách; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ bị mất nhà, không để người dân bị đói, rét.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ sau: Chủđộng rà soát phương án, sẵn sàng huy động lực lượngtổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã xảy ra mưa lớn vừa qua và đã xảy ra sạt lở đất năm 2020. Lưu ý bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

Tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

 

Khắc phục nhanh các sự cố do đợt mưa lũ vừa qua, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ đập xung yếu, đã đầy nước.

Sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạnvà khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.

Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Thứ ba, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân cư; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thứ tư, Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ bảo đảm an toàn, sẵnsàng lực lượng hỗ trợ ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

 

Thứ năm, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất, hệ thống điện, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Thứ sáu, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm