Chánh Thanh tra Hà Nội nói về sai phạm Phủ Thành Chương và nhà Mỹ Linh
Đồng Tháp: Rơ-moóc xe đầu kéo lật nghiêng, đè bẹp 2 người đi xe máy / 4 điều kiện đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài
Sau khi trang thông tin điện tử của Thanh tra TP Hà Nội đăng tải kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn giai đoạn từ năm 2008 đến nay, dư luận có nhiều ý kiến xung quanh 2 kết luận thanh tra này. Cụ thể, Thanh tra TP đã chỉ ra 8 xã và thị trấn của huyện Sóc Sơn có vi phạm về quản lý quy hoạch, quản lý đất rừng phòng hộ, sử dụng đất, trật tự xây dựng… Tuy nhiên, kết luận không nêu cụ thể trường hợp vi phạm nào.
Về vấn đề này, Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, ngoài một số trường hợp vi phạm điển hình về trật tự xây dựng Thanh tra Chính phủ kết luận, còn có một số trường hợp trong quá trình thanh tra Đoàn thanh tra liên ngành của thành phố phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm.
Đối với 2 trường hợp vi phạm được dư luận đặc biệt quan tâm là nhà của ca sĩ Mỹ Linh và Phủ Thành Chương, Chánh Thanh tra TP thông tin: “Với trường hợp hộ ông Trương Anh Quân (vợ là bà Đỗ Mỹ Linh) tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, kết quả cho thấy, thửa đất hộ gia đình ông Trương Anh Quân đang sử dụng do nhận chuyển nhượng của hộ ông Nguyễn Xuân Lâm”. Ông Lâm được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1997 diện tích 600m2 đất ở.
Theo quy hoạch điều chỉnh rừng Sóc Sơn được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 thì diện tích 600m2 nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ môi trường. Năm 2009, hộ ông Trương Anh Quân xây dựng công trình diện tích trên 500m2, phần lớn diện tích xây dựng công trình của hộ ông Quân nằm trong quy hoạch rừng nhưng UBND xã Minh Phú, Lâm trường Sóc Sơn không kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm.
Năm 2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường hiệu chỉnh GCNQSDĐ đứng tên ông Đỗ Xuân Lâm (từ 600m2 đất ở xuống 400m2 đất ở và 200m2 đất vườn rừng trồng cây lâu năm) trong khi diện tích 600m2 đã chuyển nhượng cho ông Quân và ông Quân đã xây dựng công trình. Năm 2015, UBND huyện Sóc Sơn làm thủ tục sang tên và cấp đổi GCNQSDĐ cho hộ ông Quân, tuy nhiên, đối chiếu hình thể thửa đất cấp GCNQSDĐ lần đầu cho ông Lâm (thể hiện chiều dài thửa đất là mặt tiếp giáp với đường) và GCNQSDĐ cấp đổi cho ông Trương Anh Quân (thể hiện rộng thửa đất là mặt tiếp giáp với đường) thì hình thể thửa đất đã thay đổi theo vị trí công trình xây dựng của hộ ông Quân là không đúng quy định.
Lãnh đạo Thanh tra TP Hà Nội khẳng định: “Việc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn cho hộ ông Trương Anh Quân không phải là người trực tiếp sản xuất được chăm sóc, trông coi, quản lý bảo vệ vườn quả thuộc đất lâm trường là không đúng quy định tại Điều 136 Luật Đất đai. Thanh tra Thành phố kiến nghị xử lý đối với trường hợp của ông Trương Anh Quân - bà Đỗ Mỹ Linh theo quy định của pháp luật”.
Kiến nghị tiếp tục xử lý theo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Với trường hợp Phủ Thành Chương, tại Kết luận số 754/TTCP ngày 17/4/2006 của Thanh tra Chính phủ kết luận về đất rừng huyện Sóc Sơn đã nêu rõ khu đất Phủ Thành Chương có nguồn gốc là đất quy hoạch rừng đặc dụng, trước đây Hợp tác xã giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh, liên kết, có xác nhận của UBND xã Hiền Ninh, diện tích khoảng 8.342m2. Sau khi nhận chuyển nhượng ông Nguyễn Thành Chương đã xây dựng không phép công trình kiên cố trên đất. Từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006 đến nay, tại khu đất của ông Chương không phát sinh việc xây dựng công trình mới.
Theo bản đồ quy hoạch rừng năm 2008 tỷ lệ 1/5000 xã Hiền Ninh thì toàn bộ diện tích 8.342 m2 đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Hiện trạng khu đất Phủ Thành Chương được ông Nguyễn Thành Chương xây dựng 30 hạng mục công trình gồm: nhà ở, nhà trưng bày cổ vật, nhà ăn, tháp, giếng đá, ao, khu vệ sinh với tổng diện tích xây dựng 1.800m2; thời điểm xây dựng năm 2001. Đến nay vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng của Phủ Thành Chương, UBND huyện Sóc Sơn chưa xử lý. Thanh tra Thành phố kiến nghị tiếp tục thực hiện xử lý theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Nhấn mạnh về trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn trong khâu quản lý quy hoạch còn tồn tại hạn chế, ông Huy khẳng định: Từ năm 2008, UBND TP đã có điều chỉnh quy hoạch rừng của huyện, do đó 4.557m2 rừng của 9 xã và Lâm trường Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc chấp hành quy hoạch của UBND huyện Sóc Sơn còn có những tồn tại, hạn chế. Điển hình là năm 2012, UBND huyện Sóc Sơn ban hành các quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 10 xã và thị trấn Sóc Sơn chồng lên quy hoạch đất rừng tại 8 xã, tổng diện tích chồng lấn là: 340,12 ha.
Năm 2013, UBND huyện Sóc Sơn mới giao Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn làm đại diện chủ đầu tư thực hiện Dự án thi công cắm mốc giới rừng trên địa bàn 10 xã và 01 thị trấn là chậm. Đồng thời việc cắm mốc còn có những tồn tại đã được nêu tại Thông báo kết luận thanh tra.
Theo Chánh thanh tra TP, UBND huyện Sóc Sơn chưa thực hiện xử lý đối với các tồn tại, vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận đồng thời sau khi UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch rừng phòng hộ đến nay mới thực hiện việc cắm mốc giới còn nội dung chỉ đạo khác của UBND TP chưa tổ chức thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước