Chỉ số VN-Index có thể tăng khoảng 20% vào cuối năm 2022
TTCK 2015: Giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ bình quân đạt 2.495 tỷ đồng/phiên / Cần ít nhất 1.500 tỷ để gia nhập Top10 người giàu nhất TTCK Việt Nam 2015
Nhiều kỳ vọng và tín hiệu tích cực
Nhận định về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2022, chuyên gia Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng: Các tín hiệu tích cực đến từ khả năng phục hồi của nền kinh tế với việc đại dịch COVID-19 đang được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, đồng thời việc thế giới đang tiến hành thử nghiệm các loại thuốc đặc trị COVID-19 cũng tạo ra cơ hội nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng đã bị đứt gãy trong suốt 2 năm qua.
Các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả nhất định, giúp nền kinh tế đứng vững do đó là tạo điểm ổn định cho TTCK.
“Thị trường hiện đang kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế 800 nghìn tỷ đồng sớm được đưa vào thực hiện, đây sẽ là cú hích quan trọng cho thị trường trong năm 2022. Các chuyên gia nhận định rằng, chỉ số VN-Index có thể tăng khoảng 20% so với năm 2021, tức đạt khoảng 1.800 điểm vào thời điểm cuối năm 2022”, ông Đạt nhận định.
Bên cạnh các yếu tố kiểm soát dịch bệnh và vĩ mô, theo chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, TTCK Việt Nam năm 2022 còn được hỗ trợ bởi những thành tựu đã đạt được, những tích lũy tốt trong năm 2021 vừa qua.
Xu hướng tăng điểm vào giai đoạn cuối năm 2021, đặc biệt VN-Index tiếp tục hồi phục để hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong ngày đầu tiên của năm mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho thấy, TTCK tiếp tục xu hướng tích cực trong năm 2022.
Sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân với trình độ, kinh nghiệm ngày càng được cải thiện, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và hiệu quả sẽ tạo niềm tin về sự phát triển ổn định của TTCK năm tới.
Tăng cường năng lực, kỹ năng, công nghệ của cơ quan quản lý
Tuy nhiên, theo ông Đạt, TTCK năm 2022 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nguy cơ bong bóng giá tài sản, rủi ro từ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân, rủi ro từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính của các công ty chứng khoán, cũng như nguy cơ thao túng giá trên TTCK phái sinh.
Do vậy, cần có các giải pháp mang tính đồng bộ, thống nhất nhằm duy trì động lực và tạo sức bật mới cho thị trường.
Đó là, cần tăng cường năng lực, kỹ năng, công nghệ của cơ quan quản lý trong phát hiện, nhận diện các trường hợp vi phạm, thao túng giá.
Nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên TTCK cần căn cứ theo mức độ trục lợi, gây thiệt hại cho nền kinh tế để các chế tài có tính răn đe.
Cần tăng cường năng lực, kỹ năng, công nghệ của cơ quan quản lý, điều hành TTCK
Hiện nay, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền hoặc đình chỉ hoạt động, chỉ có hành vi giao dịch nội gián và thao túng TTCK là có quy định xử phạt theo mức độ trục lợi, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Cần kiểm soát chặt chẽ hồ sơ lên sàn giao dịch của các doanh nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn niêm yết. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng doanh nghiệp phát hành trên TTCK, yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng hàng hóa trên thị trường. Việc xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng tranh thủ xu hướng tăng điểm của thị trường để huy động vốn không chỉ tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả huy động nguồn lực của nền kinh tế trong khi đây là một trong những chức năng cơ bản của TTCK.
Bên cạnh đó, cần duy trì dòng tiền chảy vào TTCK ổn định. Theo dõi sát sao các dòng tiền vào TTCK, gồm dòng tiền từ tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền của khối ngoại, dòng tiền tín dụng (dư nợ lĩnh vực chứng khoán, tiền cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán) và các kênh huy động vốn của công ty chứng khoán.
“Để thu hút vốn đối với dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, cần tăng cơ hội đầu tư cho đối tượng này thông qua việc cân nhắc thực hiện các giải pháp cho phép giao dịch lô lẻ cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Việc giảm lô giao dịch cũng đang được thực hiện trên nhiều TTCK quốc tế như Nhật Bản, Singapore hoặc cho phép cổ phiếu phân đoạn (Fractional Share) như Mỹ. Việc giao dịch cổ phiếu với lô ngày càng thấp, trong đó có cả hình thức lô lẻ mang lại lợi ích và tăng cơ hội gia nhập TTCK cho tất cả các nhà đầu tư”, ông Đạt khuyến nghị.
Đối với việc duy trì dòng tiền của khối ngoại, ông Đạt cho rằng, cần sớm có giải nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm cận biên sang nhóm thị trường mới nổi là giải pháp hữu hiệu nhất để giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đòn bẩy tài chính của các công ty chứng khoán. Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy quá cao trên TTCK có thể trở thành lý do khiến sự hồi phục của TTCK đảo chiều, như trường hợp của TTCK Đài Loan vào tháng 5/2021.
Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát để các CTCK tuân thủ pháp luật, minh bạch hoạt động cho vay ký quỹ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, không để xảy ra các hiện tượng lách luật bằng việc sử dụng kho ngoài, cho vay tăng tỷ lệ margin (tỷ lệ cho vay tối đa của công ty chứng khoán với các nhà đầu tư, dựa trên giá trị tài sản ròng) với các cổ phiếu trong danh mục cho vay của CTCK.
Đồng thời, hạn chế hiện tượng thao túng giá, ảnh hưởng tới TTCK cơ sở thông qua việc nghiên cứu đưa ra cách thức xác định giá đóng cửa của sản phẩm phái sinh phù hợp hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế