Hỗ trợ doanh nghiệp

Yếu tố nào giúp PNJ, Thế giới di động, FPT Retail trở thành hàng “hot” trên TTCK Việt Nam?

Mặc dù không chiếm tỷ trọng không lớn trên thị trường nhưng cổ phiếu bán lẻ (PNJ, MWG, DGW, FRT) đang là nhóm ngành thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư với mức tăng trưởng vượt trội.

So với các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng, dầu khí…thì số lượng các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết trên sàn chứng khoán là khá ít với chỉ vài cái tên như PNJ, Thế giới di động (MWG), Digiworld (DGW) hay sắp tới là FPT Retail (FRT). Mặc dù không chiếm tỷ trọng không lớn trên thị trường nhưng bán lẻ đang là nhóm ngành thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư với mức tăng trưởng vượt trội.

Tính tới hết phiên giao dịch 24/4, thị giá cổ phiếu DGW lên gần 28.000 đồng/cp, tăng gấp đôi so với một năm trước và đây cũng là vùng giá cao nhất mà cổ phiếu đạt được. PNJ cùng với MWG mặc dù có nhịp điều chỉnh tương đối thời gian gần đây nhưng bộ đôi cổ phiếu này cũng tăng bằng lần trong những năm qua. Còn với FRT, cổ phiếu sẽ lên sàn HoSE vào ngày 26/4 tới đây cũng được định giá khá cao với 125.000đồng/cp, tuy nhiên giá trên thị trường OTC hiện đã lên tới 150-160.000 đồng/cp.

Cổ phiếu bán lẻ tăng phi mã trong những năm gần đây.

Sức hấp dẫn của cổ phiếu bán lẻ còn có thể thấy qua cơ cấu cổ đông doanh nghiệp. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà khối ngoại cũng rất "thèm khát" các cổ phiếu bán lẻ. Cụ thể, PNJ và MWG đều đã kín room ngoại ở mức 49%; FRT cũng có 35% cổ phần thuộc về 2 quỹ ngoại lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital.

Điều gì làm nên sức hút của cổ phiếu bán lẻ?

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ đạt được những năm qua hết sức tích cực với mức tăng trưởng hàng chục phần trăm. Thế giới di động, PNJ, FPT Retail đều đạt những kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận trong năm 2017 và kế hoạch năm 2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh. Digiworld trong năm vừa qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận so với năm trước đó.

Không những vậy, các doanh nghiệp bán lẻ này còn có ưu điểm khá nhạy bén, sẵn sàng gia nhập vào các lĩnh vực mới, mang lại biên lợi nhuận cao thay vì chỉ tập trung vào một vài sản phẩm truyền thống vốn đã bị bão hòa hoặc bị cạnh tranh mạnh với biên lợi nhuận thấp.

Thế giới di động từ sản phẩm phân phối đầu tiên là điện thoại đã đẩy mạnh kinh doanh điện máy và đây cũng là sản phẩm chủ lực của công ty. Chưa dừng lại, Thế giới di động còn có tham vọng mở rộng sang các lĩnh vực khác như siêu thị, bách hóa (Bách hóa xanh) hay phân phối dược phẩm (Phúc An Khang).

 

Tương tự, FPT Retail, đối thủ của Thế giới di động trong lĩnh vực phân phối điện thoại cũng có những bước chuyển mình đáng chú ý khi đẩy mạnh phân phối các sản phẩm Apple chính hãng, hay mở rộng sang kinh doanh dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu.

PNJ cũng là doanh nghiệp có nhiều thay đổi để tối ưu hóa lợi nhuận, cũng như tối ưu hệ thống phân phối. Những năm qua, PNJ đã thay đổi cơ cấu sản phẩm, tập trung vào kinh doanh trang sức cao cấp thay vì phân phối vàng miếng giúp hiệu quả kinh doanh liên tục cải thiện. Nếu như năm 2011, biên lãi gộp PNJ chỉ quanh ngưỡng 4% thì đến năm 2017 đã tăng lên 17% và đến quý 1/2018 đã tăng lên gần 19%. Không những vậy, PNJ cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh những sản phẩm khác như đồng hồ, kính. Đây đều là những sản phẩm còn rất nhiều dư địa tăng trưởng và cùng hệ sinh thái với những sản phẩm hiện có của PNJ.

Biên lãi gộp PNJ cải thiện mạnh nhờ thay đổi chiến lược kinh doanh.

Còn với Digiworld, sau những năm tháng khó khăn với việc phân phối sản phẩm điện tử do thị trường bão hòa, biên lợi nhuận thấp, doanh nghiệp này đã bắt tay với Xiaomi mở showroom phân phối sản phẩm chính hãng tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty cũng mở rộng sang phân phối các lĩnh vực hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe. Việc thay đổi của Digiworld đã giúp kết quả kinh doanh của công ty tăng trưởng tích cực trong năm 2017 vừa qua, sau 2 năm sụt giảm liên tiếp trước đó.

Sức hấp dẫn từ dân số vàng

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng vô cùng lớn. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, doanh thu bán lẻ Việt Nam năm 2017 đạt 2,9 triệu tỉ đồng, tương đương 130 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,6% so với năm 2016. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Mức sống tăng cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và lối sống thành thị được cho là nguyên nhân chính khiến bán lẻ trở thành một lĩnh vực tiềm năng.

 

Bên cạnh đó, theo báo cáo của The Boston Consulting Group (BCG), tầng lớp trung lưu Việt Nam với mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2014-2020 và chiếm khoảng một phần ba dân số.
Những lợi thế kể trên khiến bán lẻ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp. Có thể thấy, hàng loạt thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam như Metro, BigC, Phú Thái từ các doanh nghiệp Thái Lan diễn ra rầm rộ những năm gần đây phản ánh sức hấp dẫn to lớn của lĩnh vực này. Bởi vậy, việc các cổ phiếu ngành bán lẻ như PNJ, MWG, DGW, FRT trở thành hàng "hot" trên sàn chứng khoán cũng là điều không quá bất ngờ.  

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo