Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đầu tư cho Y tế là đầu tư cho phát triển
Hải quan với nhiều biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2024 / Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Cùng tham dự có: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Bộ, ngành hữu quan…
Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo kết quả thực hiện công tác y tế và xây dựng thể chế lĩnh vực y tế, đại diện các Bộ, ngành hữu quan đã đóng góp ý kiến tập trung vào các nội dung như tháo gỡ khó khăn, bất cập mà ngành Y tế đang đối mặt, thiết chế văn hóa trong chăm sóc sức khỏe, giải pháp tăng cường giám sát trong tự chủ bệnh viện công lập, quản lý hiệu quả bảo hiểm y tế, rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến y tế...
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội trân trọng gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, bác sĩ, nhân viên, người lao động ngành Y tế những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp, sự tri ân sâu sắc nhất nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành, đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên ngành Y tế đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, giàu tình thương yêu và lòng tận tụy, trách nhiệm với người bệnh.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về hai điểm sáng nổi bật trong 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay là cùng với cả nước, ngành Y tế với vai trò nòng cốt đã kiểm soát, khống chế thành công đại dịch COVID-19. Bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B từ ngày 20/10/2023. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19. "Đây là thành công lớn nhất", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Cùng với đó, ngành Y tế với nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, giải quyết các “điểm nghẽn” về chính sách và hậu quả COVID-19 để lại; đã có những bước chuyển quan trọng cả về hoàn thiện thể chế chính sách, công tác quản lý nhà nước và trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần vào thành công chung của đất nước. Vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành đang có những cơ hội, niềm tin, vững bước phát triển.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến phát biểu, trong đó có ý kiến của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề cập đến việc người dân tiếp cận với những tiến bộ mới nhất của khoa học, y tế thế giới; chăm sóc người cao tuổi với việc nâng cao chất lượng chuyên ngành lão khoa, “trẻ sơ sinh và người già” cần được chăm sóc y tế cao nhất; đẩy mạnh chuyển đổi số để có chiến lược đào tạo y bác sĩ sát với thực tế...
Ngành Y tế quán triệt đầy đủ vai trò, ý nghĩa của ngành Y, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nền y học theo nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng; Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với mục tiêu tổng quát là nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam song song với công tác chữa bệnh cứu người.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại mục tiêu xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân. Nhấn mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân là công việc chung của toàn hệ thống chính trị với nòng cốt là ngành Y tế. Bảo vệ sức khoẻ là sự nghiệp của toàn dân. Cho biết khuyến khích đẩy mạnh tự chủ nhưng Nhà nước vẫn tập trung đầu tư cho hai ngành Y tế và Giáo dục. Do đó, các cơ quan hữu quan phải quán triệt, nhận thức rõ quan điểm này bởi mục tiêu cuối cùng là bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân.
Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và biểu dương Bộ Y tế đã tập trung tham mưu, chuẩn bị để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, ngành Y tế cần tiếp tục chủ trì phối hợp đẩy mạnh triển khai các luật về y tế và liên quan đến y tế, “tuyệt đối không nợ văn bản”; triển khai chương trình xây dựng pháp luật mới, trong đó có những dự án luật quan trọng; tăng cường năng lực xây dựng pháp luật, năng lực quản lý đầu tư để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai chiến lược y tế, quy hoạch mạng lưới y tế.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt; phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức.
Nhấn mạnh đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung hơn nữa cho công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế vững vàng về chính trị, chuyên môn, gương mẫu về đạo đức, không ngừng đổi mới tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp “lấy người bệnh làm trung tâm”, nâng cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo; từng bước đưa công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế hội nhập quốc tế, có chất lượng cao về chuyên môn và y đức.
Ngành Y tế tập trung đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, trong đó quan tâm công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược; thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; kết hợp quân y với dân y…
Cùng với đó là tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Nhân dịp này Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Y tế nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương; có các giải pháp khả thi cùng những chính sách mang tính ổn định, lâu dài để thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, du lịch Y tế cũng là một trong những xu hướng của du lịch thế giới, theo đó các cơ quan hữu quan, trong đó có ngành Y tế cần nắm bắt được xu hướng này, xây dựng các chính sách, khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển mô hình này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các ý kiến phát biểu, đề xuất của Bộ Y tế gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho ngành. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam