Chuẩn bị thanh tra 33 “ông lớn” xăng dầu
Ngày 16/2: Số ca COVID-19 mới cả nước tăng lên 34.737; có 66 F0 tử vong / Lễ nhận quân đặc biệt thời COVID-19: Những cái vẫy chào từ xa
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.
Hiện có 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay không nằm trong diện thanh tra lần này nên sẽ chỉ có 33 đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu bị thanh tra.
Hiện có 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Đoàn Thanh tra của Bộ Công Thương sẽ thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu tại 33 thương nhân kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn từ 1/1/2021 đến 11/2/2022. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế, tính từ ngày công bố quyết định.
Theo quyết định, Đoàn Thanh tra sẽ có đánh giá chung về hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời kỳ thanh tra, bao gồm cơ chế hoạt động và đặc thù hoạt động trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022; báo cáo đánh giá chung về kết quả đã đạt được, chưa đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn Thanh tra sẽ làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu như điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong đó, thanh tra các vấn đề về giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Đoàn sẽ kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân hoặc đồng sở hữu hoặc của thuê sử dụng của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; cầu cảng chuyên dụng; kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu, phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác; phương tiện vận tải xăng dầu nội địa.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh tra tập trung thanh kiểm tra về hệ thống phân phối xăng dầu bao gồm các nội dung như cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân hoặc thuê; tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân...
Đáng chú ý, Đoàn Thanh tra cũng sẽ làm rõ các vấn đề như: việc đăng ký hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định; báo cáo số liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu; báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình thực hiện nhập khẩu xăng dầu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, xuất khẩu xăng dầu.
Làm rõ việc tiêu thụ, dự trữ xăng dầu
Về vấn đề mua xăng dầu, các doanh nghiệp phải cung cấp các hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với các đối tác trong và ngoài nước gồm chủng loại xăng dầu, khối lượng xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu; hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu được Bộ Công Thương phân bổ, các hợp đồng mua xăng dầu từ các nhà máy sản xuất xăng dầu, các thương nhân đầu mối trong nước; báo cáo về khối lượng xăng dầu nhập vào từ ngày 1/1/2021 đến ngày 11/2/2022.
Với xăng dầu nhập khẩu, Đoàn làm rõ đơn vị nào cung cấp, hợp đồng, tờ khai nhập khẩu, thời gian nhập khẩu, thực tế nhập kho ra sao.
Với xăng dầu mua trong nước, các doanh nghiệp thuộc diện thanh tra cần thống kê rõ đơn vị cung cấp, hợp đồng, thời gian mua, thực tế nhập kho như số lượng, đơn giá, thành tiền.
Đoàn Thanh tra cũng sẽ làm rõ các hợp đồng xuất khẩu xăng dầu; phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc; sản lượng cam kết từng đơn vị từng tháng, thực tế thực hiện.
Các doanh nghiệp cần phải báo cáo sản lượng bình quân ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của tháng 12/2021; tháng 1 và tháng 2 năm nay; tổng hợp xuất tồn từng tháng trong thời kỳ thanh tra cho từng loại, thực hiện bán hàng chi tiết theo từng đơn vị trong hệ thống phân phối...
Việc thực hiện bán xăng dầu sẽ được làm rõ các vấn đề: thống kê thành bảng các hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng trong thời kỳ thanh tra; tổng hợp nhập xuất tồn từng tháng trong thời kỳ thanh tra cho từng loại xăng dầu.
Cùng với đó, việc xuất khẩu xăng dầu, khối lượng xăng dầu đăng ký xuất khẩu theo quy định; thống kê bán xăng dầu thực hiện chuyển trực tiếp từ cảng nhận xăng dầu, nơi mua xăng dầu tới giao cho các cửa hàng bán lẻ; giao cho các công ty con được ủy quyền; giao cho các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, các tổng đại lý, đại lý...
Với việc thực hiện quy định về dự trữ, Đoàn Thanh tra sẽ làm rõ thực trạng hạ tầng dự trữ xăng dầu của doanh nghiệp, khả năng đáp ứng hạ tầng dự trữ đối với hoạt động kinh doanh và đối với dự trữ thương mại theo quy định.
Liên quan đến việc điều hành, ổn định thị trường xăng dầu, ngày 18/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Tài chính chủ động điều hành giá, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành mặt hàng này, cũng như việc kiểm tra xử lý nghiêm, không để xảy ra hành vi trục lợi, đầu cơ xăng dầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"