Tin tức - Sự kiện

Có nên trang bị tàu bay cho Cảnh sát cơ động?

Thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động trong phiên làm việc sáng 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm quy định Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay, tàu thuyền.

TP Hồ Chí Minh chuẩn bị 4 kịch bản trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19 / Thủ tướng tham dự chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương chính thức quy mô nhất trong năm 2021

Các ý kiến đều đồng tình cho rằng, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng công an nhân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nhiều nội dung cụ thể của dự thảo luật.

Ý kiến khác nhau về trang bị tàu bay cho CSCĐ

Dự thảo luật quy định Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay, tàu thuyền. Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hộichuyên trách tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, đây là chính sách lớn, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể. Các luật hiện hành đã quy định cụ thể phạm vi hoạt động và quy chế phối hợp của các đơn vị trong quân đội với công an.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng

Đại biểu cũng cho rằng, trong thực tế, khi thực hiện nhiệm vụ, CSCĐsử dụng tàu bay, tàu biển không thường xuyên. Mặt khác trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế để các đơn vị quân đội hoặc các lực lượng khác phối hợp, huy động phương tiện thiết bị theo quy định của dự thảo luật.

“Nếu vướng quy định của pháp luật trong huy động, sử dụng thì xem xét, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung thay vì nhất thiết phải mua sắm riêng cho lực lượng CSCĐ” – ông Thắng nêu quan điểm.

Cũng đề cập vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng, đây là vấn đề mới, liên quan đào tạo, huấn luyện thật kỹ; chi phí ban đầu và bảo quản, bảo dưỡng rất lớn. Theo ông, trong trường hợp được trang bị thì Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT trong quản lý bay, đảm bảo an toàn cho các lực lượng sử dụng tàu bay.

Còn đại biểu Võ Văn Hội (đoàn Bến Tre) nêu quan điểm, nếu có trang bị cho lực lượng CSCĐ thì nên quy định kiểu loại và giới hạn số lượng, ví dụ như trang bị trực thăng.

Ủng hộ quy định như dự thảo, Đại biểu Quản Minh Cường - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnhĐồng Naithì cho rằng, việc trang bị máy bay quan trọng là dùng loại nào, trong trường hợp nào và phối hợp chặt chẽ ra sao chứ không chỉ là vấn đề tốn kém.

 

“Các đối tượng ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí trang thiết bị hiện đại thì lực lượng công an nói chung, CSCĐ nói riêng sử dụng máy bay là nhu cầu cần thiết” – ông nói.

Không đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hoà – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp nói:“Nhiều lực lượng đã có tàu bay, tàu thuyền sao không phối hợp sử dụng khi cần thiết? Tôi nghĩ quân đội sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an khi thực hiện nhiệm vụ” – ông Phạm Văn Hoà đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, trang bị tàu bay, tàu thuyền là rất tốn kém trong khi đất nước còn khó khăn.

Tranh luận với ông Hoà, đại biểu Đặng Hùng Sỹ (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh, nhiệm vụ của CSCĐ chủ yếu đảm bảo an ninh trật tự, xử lý bạo loạn, chống khủng bố... nên sử dụng máy bay quân đội trong các vụ việc này không phù hợp. “Kinh phí có tốn kém nhưng CSCĐ cần tiến lên hiện đại, có thể trước mắt chưa có nhưng lâu dài cần bố trí cho lực lượng này”.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng CSCĐ là lực lượng nòng cốt quan trọng của công an nên không thể nói vì tiết kiệm mà không trang bị. Theo kinh nghiệm quốc tế thì lực lượng thực hiện các nhiệm vụ như thế cần được trang bị hiện đại nhất.

Tranh luận lại, đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, CSCĐ cần sử dụng phương tiện máy bay với CSCĐ được trang bị máy bay là hai vấn đề khác nhau. Ông đồng ý CSCĐ có thể sử dụng máy bay trong một số tình huống đặc biệt nào đó nhưng có thể phối hợp với các lực lượng khác vìcó khả năng thực hiện và thực hiện tốt.

 

“Thực tế phối hợp có tốt hơn hay không, tiết kiệm, hiệu quả hơn hay không? Mong Quốc hội cân nhắc thật kỹ, đánh giá tác động nhiều chiều, có thể lấy ý kiến ĐBQH về nội dung này trước khi quyết định” – ông Thắng nêu ý kiến.

Rõ vị trí để tránh chồng chéo

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, cần thống nhất nhận thức lực lượng CSCĐ trước hết phải tuân thủ luật Công an nhân dân. Theo đó, cần làm rõđặc điểm, tính đặc thù khác biệt của lực lượng và chỉ hướng đến vấn đề có tính đặc thù chứ không quy định lại, trùng lắp các quy định mà pháp luật đã quy định cho lực lượng công an nhân dân.

Bên cạnh đó là bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành cũng như xác định đúng vị trí, địa vị pháp lý, tính khác biện của CSCĐ, bảo đảm không xung đột, mâu thuẫn trùng lặp với các lực lượng khác được pháp luật quy định.

Về điều động CSCĐ thực hiện nhiệm vụ, ông Hoàng Đức Thắng cho rằng, nhất thiết phải tuân theo những nguyên tắc nhất định và phải được luật pháp quy định. CSCĐ chỉ được điều động trong những nhiệm vụ, hoàn cảnh khẩn cấp, phức tạp mà các lực lượng khác không có điều kiện hoặc không thể thực hiện được, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh tùy tiện, lạm dụng cảnh sát cơ động.

 

Nêu ý kiến về nhiệm vụ của CSCĐ, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo luật cụ thể căn cứ, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền quy định, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như giải tán các vụ tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, biểu tình trái pháp luật, nhiệm vụ bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quốc hội

Cũng theo nữ đại biểu, dự thảo quy định CSCĐ có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan. Việc huy động trên cơ sở tự nguyện để đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Trần Đình Chung (Đà Nẵng) cũng cho biết chưa có các quy định giải thích cụ thể về các trường hợp cấp bách, do đó cần cụ thể trong luật này. Với tính chất là lực lượng tác chiến, nhiều trường hợp sử dụng biện pháp vũ trang, vũ khí đặc chủng, hoả lực mạnh, hoạt động của CSCĐ có liên quan tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nên việc quy định cụ thể các trường hợp cấp bách trong là rất cần thiết, làm căn cứ xác định phạm vi, quy mô điều động và công tác lãnh đạo, chỉ huy chỉ đạo triển khai CSCĐ phù hợp với quy mô, tính chất các vụ việc.

Bộ trưởng Tô Lâm: CSCĐngăn chặnphương tiện bay không người lái là cần thiết

Báo cáo giải trình, tiếp thu tại phiên thảo luân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc thiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật. Trong đó rà soát chỉnh lý vị trí, chức năng, nhiệm vụ, huy động người và phương tiện, hợp tác quốc tế... để tránh chồng chéo với các lực lượng khác cũng như đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Đại tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh thêm, phạm vi hoạt động của lực lượng CSCĐ thể hiện trên cơ sở quy định của Luật CAND. Thực tế qua trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết cho thấy các vụ việc không chỉ xảy ra ở thành phố lớn, khu vực trọng điểm mà còn ở miền núi, biên giới và có vụ việc diễn ra ở nhiều tỉnh, thành.

Dự thảo trao thẩm quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ. Làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện nay CSCĐ bảo vệ gần 650 mục tiêu trên toàn quốc theo danh mục do Chính phủ ban hành; bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng tại Việt Nam cũng như các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều phương tiện bay không người lái siêu nhẹ được sử dụng rộng rãi trong đời sống, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

“Ví dụ lợi dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang chất nổ, chất hoá học, sinh học gây nguy hại cho mục tiêu. Nếu CSCĐ không được quyền ngăn chặn, vô hiệu hoá mà chờ lực lượng khác thì có thể hậu quả nghiêm trọng” – ông Tô Lâm dẫn chứng, khẳng định việc trao thẩm quyền này cho CSCĐ là cần thiết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm