Cuộc chiến logistics đua theo kênh bán hàng online
Cơ hội rộng mở đối với nhân sự ngành logistics / Ký kết hợp tác phát triển ngành logistics
Tranh giành thị phần
Gần đây, nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành Thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Cũng bởi, logistics là một phần không thể thiếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường TMĐT.
Đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa khối nội và khối ngoại ở mảng logistics cho bán lẻ trực tuyến (ảnh HH).
Riêng tại TP.HCM có hàng chục doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ, trong nước và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực giao hàng nhanh cho các kênh bán lẻ trực tuyến. Có thể kể ra những tên tuổi như Giaohangnhanh, DHL, VNPost, Sendo, Viettel Post, Kerry TTC, Shipchung…
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, cho biết sự phát triển của TMĐT sẽ tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng/nhà kho. Các thương hiệu bán lẻ trực tuyến lớn phải không ngừng cải thiện mình để có thể cung cấp những trải nghiệm mua sắm tốt cho khách hàng.
Theo nhận định, sự gia tăng không ngừng của dịch vụ giao hàng 24h thúc đẩy nhu cầu nhà kho gần đô thị tăng mạnh. Nhu cầu cao khiến nguồn cung bất động sản công nghiệp trở nên khan hiếm. Nhà kho thường không có sẵn trong thành phố, mà đa số nằm ở vùng ngoại ô với kích thước mỗi kho bằng vài sân bóng đá.
Dưới góc nhìn một chuyên gia về logistics, ông Rich Thompson cho rằng các công ty TMĐT đã nhận ra sự vô lý của việc thuê cả một nhà kho lớn khi mà nhu cầu mua sắm thay đổi lên xuống theo mùa, vì vậy mô hình linh hoạt là một lựa chọn tuyệt vời. Đây là thị trường ngách tiềm năng vì DN có thể tối ưu không gian kho bãi, mang lại sự linh hoạt và hiệu quả cao hơn cho chuỗi cung ứng của họ.
Cần lưu ý thêm, thị trường TMĐT ở Việt Nam gần đây có sự thâm nhập mạnh mẽ của nhiều tên tuổi lớn từ Trung Quốc. Đơn cử như Alibaba đã mua Lazada (chiếm đến 1/3 thị phần TMĐT của Việt Nam). Kho ngoại quan của tập đoàn này đã xây dựng ở biên giới Lạng Sơn hơn hai năm và sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong 1 – 2 năm nữa.
Hoặc như cổng thông tin TMĐT nội địa Tiki đã nhận được 44 triệu USD đầu tư từ JD.com (một công ty Trung Quốc) là đối thủ cạnh tranh của Alibaba.
Cơ hội nào cho logistics nội?
Hay như Shopee, với công ty mẹ chính là “gã khổng lồ” internet Trung Quốc Tencent, cũng có mặt tại Việt Nam. Tencent đã có những dấu ấn đầu tiên tại thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, thông qua chiến lược miễn phí vận chuyển cho khách hàng.
Thị trường logistics Việt Nam đang tăng trưởng theo nhu cầu của Thương mại điện tử (HH).
Vấn đề là khi những tên tuổi lớn của Trung Quốc vào thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam thì có tạo ra cơ hội cho các DN Việt trong lĩnh vực giao hàng nhanh nói riêng hay lĩnh vực logistics nói chung. Hay là gia tăng thêm sự cạnh tranh khi họ kéo theo sự yểm trợ của các DN logistics từ nước họ vào thị trường Việt?
Về điểm bất lợi của các DN logistics nội địa, bà Phan Thị Tuyết Như, Giám đốc Công ty Tư vấn Thiên Minh (Tp.HCM), cho biết qua làm việc với nhiều đối tác ngoại, khi họ muốn xuất hay nhập hàng hóa ở Việt Nam thì họ thường nhờ giới thiệu các công ty logistics có thương hiệu của nước ngoài.
Lý giải việc này, theo bà Như, do các đối tác nước ngoài chưa hiểu rõ về những DN logistics nội địa. Giá cả, pháp lý, bất đồng ngôn ngữ…cũng là các lý do, nên các công ty logistics ngoại vẫn là sự ưu tiên lựa chọn.
Bên cạnh sự cạnh tranh giữa khối nội và khối ngoại ở mảng logistics cho bán lẻ trực tuyến, thì theo giới chuyên gia, lĩnh vực logistics tại Việt Nam cho TMĐT vẫn đối mặt những thách thức còn tồn tại. Trong đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí được cho vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể.
Như đánh giá của JLL, thị trường logistics Việt Nam đang tăng trưởng theo nhu cầu của TMĐT. Đặc biệt khi tại Việt Nam, cùng với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh và mức độ phủ sóng mạng 4G ngày càng mở rộng, doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng.
Kéo theo đó là áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho. Song song đó là cuộc đua khốc liệt giữa khối nội và khối ngoại để giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.End of content
Không có tin nào tiếp theo