Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Cứu sống hai nữ bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp, nguy cơ tử vong cao

DNVN - Bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) và phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng vừa cứu sống thành công 2 nữ bệnh nhân 38 tuổi (trú tại Đà Nẵng) và 17 tuổi (trú Thừa Thiên Huế) bị tắc động mạch phổi cấp.

Đà Nẵng: Hỗ trợ khách hàng xử lý tình trạng chạm chập điện khiến sản lượng tăng bất thường / Đà Nẵng: Đến triển lãm nghệ thuật “Vươn khơi” để được “nghe”, “nhìn”, “chạm” những giá trị của làng chài truyền thống

Theo thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng ngày 26/5, nữ bệnh nhân Trần Thị T. N (sinh năm 1984, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội và buồn nôn, chẩn đoán viêm tụy cấp. Bệnh nhân được chuyển vào khoa Nội tiêu hóa. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân N., dần ổn định, đỡ đau bụng, tỉnh và đi lại được.

Nữ  bệnh nhân Trần Thị T. N trong thời gian được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh do Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)

Nữ bệnh nhân Trần Thị T. N trong thời gian được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh do Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)

Tuy nhiên bệnh nhân lại đột ngột có biểu hiện co cứng chân tay, môi tím, thở ngáp, hôn mê, ngưng tim và ngưng thở. Ngay lập tức, Bệnh viện Đà Nẵng kích hoạt quá trình “Báo động đỏ”, êkip bác sĩ khoa Nội tiêu hóa phối hợp với khoa Hồi sức tích cực - chống độc khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cho bệnh nhân.

Sau đó, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc tiến hành hội chẩn bệnh viện, thực hiện các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng theo hướng chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp và lập tức áp dụng kỹ thuật ECMO cứu sống người bệnh. Quá trình thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp và kỹ thuật ECMO diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ.

Sau khi thực hiện kỹ thuật ECMO, các bác sĩ tiến hành chụp mạch máu phổi trên máy cắt lớp vi tính động mạch phổi, cho thấy huyết khối lấp đầy các nhánh lớn của động mạch phổi. Bệnh nhân N tiếp tục được êkip khoa Ngoại tim mạch phối hợp với khoa Gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật, lấy huyết khối trong lòng động mạch phổi. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng huyết động và tim của bệnh nhân ổn định, tri giác cải thiện, cai được ECMO.

“Hiện tại bệnh nhân N đã cai được máy thở hoàn toàn và được xuất viện. Đây là một trong những trường hợp cấp cứu nội khoa nặng, bệnh nhân trẻ tuổi và tình trạng ngưng tim diễn ra rất đột ngột, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị kịp thời, nhanh chóng”, BSCKII Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Trước đó không lâu, bằng phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết, khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị T.H (sinh năm 2005, trú Bình Lộc, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) bị tắc động mạch phổi cấp. Bệnh nhân này được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng tức ngực, khó thở, suy tim phải cấp. Đặc biệt, bệnh nhân đang có thai 7 tuần và có tiền sử mắc COVID-19.

Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, điện tim, chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi cho thấy bệnh nhân bị thuyên tắc mạch phổi cấp 2 bên và được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực – chống độc. Sau 12 giờ nhập viện, bệnh nhân H đột ngột chuyển biến nặng, sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp.

Các bác sĩ đã quyết định dùng thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm phá hủy cục máu đông) cứu sống bệnh nhân. Sau 30 phút, tình trạng bệnh nhân cải thiện rất nhanh, các chức năng hô hấp và tuần hoàn được cải thiện. Sau khi điều trị hồi sức tích cực 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, tự thở tốt, hết đau tức ngực.

Theo BSCKII Hà Sơn Bình, với tắc động mạch phổi cấp có rối loạn huyết động như trường hợp bệnh nhân này thì sử dụng phác đồ điều trị tiêu sợi huyết đúng thời điểm sẽ có tác dụng làm tan cục máu đông, tái thông động mạch phổi nhanh chóng, giúp bệnh nhân thoát tử vong.

BSCKII Hà Sơn Bình cũng nhấn mạnh, cả 2 bệnh nhân nêu trên đều khởi bệnh trong tình trạng rất cấp tính, đột ngột. Tuy nhiên Bệnh viện Đà Nẵng đã xây dựng quy trình cấp cứu tuần hoàn nội viện chặt chẽ thông qua quá trình báo động đỏ nên kịp thời cứu sống người bệnh.

“Đối với nhóm bệnh nữ giới ở độ tuổi trung niên, bệnh lý tắc mạch máu không hiếm gặp. Bệnh mang tính chất cấp tính, khởi phát đột ngột, diễn biến phức tạp khó đoán bởi tình trạng rối loạn huyết động dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, sẽ rất may mắn cho các bệnh nhân được chăm sóc và điều trị kịp thời ở nơi có đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực có kinh nghiệm kết hợp với trang thiết bị tốt, hiện đại”, BSCKII Hà Sơn Bình chia sẻ.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm