ĐBSCL: Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, 486 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do tác động của môi trường và con người
Giá lúa gạo ĐBSCL tăng 5 tuần liên tiếp / Khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến nhanh ở ĐBSCL
Cuộc kiểm toán được thực hiện trong bối cảnh các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông đã và đang phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực không thể lường trước từ hiện tượng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường cũng như việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước thiếu bền vững. Điều đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân trong lưu vực.
Tham gia cuộc kiểm toán có 3/6 quốc gia thuộc lưu vực sông (LVS) Mê Kông, gồm Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Cùng sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia đến từ KTNN Malaysia, Indonesia, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada trong suốt quá trình kiểm toán từ khâu lập kế hoạch, thực hiện và xây dựng báo cáo kiểm toán.
Tại Việt Nam, Đoàn KTNN thực hiện kiểm toán tại 4 bộ, ngành, gồm Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 12 tỉnh, thành thuộc LVS Mê Kông tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý nguồn nước LVS Mê Kông, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tổng nguồn lực tài chính đã sử dụng trong quản lý tài nguyên nước tại các đơn vị được kiểm toán khoảng 42.542 tỷ đồng và ngày càng gia tăng…
Theo ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, kết quả kiểm toán đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước kết hợp với các yếu tố biến đổi khí hậu, sự gia tăng của việc khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông đã dẫn đến những tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam.
Đặc biệt là ảnh hưởng đến khu vực ĐBSCL, nơi sinh sống của hơn 17,3 triệu dân, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước. Cụ thể, số lượng nước sông Mê Kông từ thượng nguồn về ĐBSCL năm 2020 giảm 157 tỷ m3 so với năm 2011, cùng với đó lượng phù sa bùn cát năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, lượng nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL giảm 22 tỷ m3 chỉ trong 1 năm, dẫn tới 486.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt; Lượng phù sa bùn cát từ thượng nguồn giảm tới 37% chỉ sau 3 năm.
Bên cạnh đó, hơn 1,5 triệu ha đất bị suy thoái chất lượng do giảm độ phì và có 2.158 vụ sạt lở ước tính thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng; trữ lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên sụt giảm 12.644 tấn ước tính 770 tỷ đồng; chất lượng nước tại nhiều con sông, kênh, rạch đều ghi nhận tình trạng ô nhiễm là nguyên dân dẫn đến 84.672 ca bệnh theo thống kê của ngành y tế trong giai đoạn 2016 - 2020.
Nhiều địa phương phản ánh sự suy giảm về số loài và số lượng cá thể nhiều loại sinh vật, thủy sản đặc trưng của sông Mê Kông. Đồng thời những bất cập này cũng góp phần dẫn đến tình trạng hàng trăm nghìn lao động phải di dời khỏi địa phương, rời bỏ các công việc truyền thống để tìm kiếm việc làm tại các thành phố, đô thị lớn.
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông giai đoạn 2016 - 2020 tại các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời chỉ ra những hạn chế trong khâu phối hợp giữa các nước cùng khai thác sông Mê Kông để từng bước xây dựng cơ chế hiệu quả nhằm hợp tác, giám sát lẫn nhau cùng gìn giữ tài nguyên nước.
Qua đó, KTNN kiến nghị Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Mê Kông 1995 nghiên cứu, trao đổi, tham mưu cho Thủ tướng Chính Phủ, đề xuất xây dựng các văn bản, hướng dẫn kỹ thuật về giám sát sử dụng nước trên dòng nhánh. Đồng thời đề xuất xây dựng các điều khoản, chế tài cụ thể để giải quyết tranh chấp đối với các bất đồng giữa các quốc gia thành viên trong việc quản lý và sử dụng nước LVS Mê Kông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo