Tin tức - Sự kiện

Đề xuất ‘bất ngờ’ về khu thương mại tự do Đà Nẵng

DNVN - Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng ngày 18/4, Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đã đưa ra một số đề xuất đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch đường sông không chỉ tập trung vào sông Hàn / Đà Nẵng triển khai kế hoạch trở thành trung tâm du lịch y tế

Cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng xuất khẩu, logistics

Ông Trần Thanh Hải dẫn số liệu của ngành hải quan cho thấy năm 2024, Đà Nẵng đạt kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) 3,3 tỷ USD, tăng 10% so với 2023; trong đó xuất khẩu tăng 3,5%, nhập khẩu 21%, xuất siêu 536 triệu USD. Qua theo dõi tình hình hoạt động XNK trên địa bàn Đà Nẵng, Cục Xuất khẩu nhận thấy nổi lên một số vấn đề.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng ngày 18/4.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng ngày 18/4.

Trước hết, quy mô doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Đà Nẵng còn nhỏ, khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế cũng như số lượng mặt hàng, sự đa dạng ngành hàng còn hạn chế. Đặc biệt, tỷ lệ tận dụng thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của DN xuất khẩu Đà Nẵng chưa cao và còn dư địa tận dụng rất lớn.

Đối với lĩnh vực logistics, Đà Nẵng được coi là địa bàn trọng điểm, trung tâm của khu vực miền Trung, thừa hưởng lợi thế từ cảng Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng… Thời gian qua TP đã có nhiều động thái thúc đẩy ngành dịch vụ này, như xin Quốc hội cho cơ chế đặc thù thành lập Khu thương mại tự do (TMTD), đưa ra đề án phát triển dịch vụ logistics của TP.

Tuy nhiên theo Cục Xuất nhập khẩu, đến nay Đà Nẵng vẫn thiếu vắng những trung tâm logistics quy mô lớn và có mức độ hiện đại hoá cao, có sự tích hợp của nhiều ngành hàng. Còn thiếu các dịch vụ giá trị gia tăng, như logistics phục vụ cho hàng thương mại điện tử, phục vụ cho hàng hoá giá trị cao… Trên địa bàn có đủ các loại hình, phương thức vận tải nhưng sự kết nối chưa lớn, khả năng và hiệu quả khai thác chưa cao.

Phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng ở Chu Lai?

Từ thực tế trên, ông Trần Thanh Hải đưa ra một số ý kiến trao đổi về Khu TMTD Đà Nẵng để chính quyền TP cũng như các DN xuất khẩu trên địa bàn có thể xem xét. Theo ông, Quốc hội đã cho phép xây dựng Khu TMTD Đà Nẵng và hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập.

Tuy nhiên thời điểm hiện nay đã khác so với khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 136 (tháng 6/2024) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đó là hiện nay Trung ương đã có chủ trương sáp nhập Quảng Nam với Đà Nẵng nhằm một trong những mục tiêu lớn nhất là mở rộng không gian phát triển kinh tế.

“Diện tích của Đà Nẵng vốn rất nhỏ hẹp, trong đó phần địa hình miền núi không phù hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ khá lớn. Vì vậy việc sáp nhập với Quảng Nam là một lợi thế rất lớn. Tôi cho rằng TP nên xem xét và có những điều chỉnh kịp thời theo tình hình mới. Ví dụ như Khu TMTD, có nhất thiết phải đặt ở khu vực Đà Nẵng hiện nay hay không?”, ông Trần Thanh Hải đặt vấn đề.

Theo ông, nên chăng TP Đà Nẵng mới đề xuất phát triển Khu TMTD ở khu vực hiện đã hình thành KCN Chu Lai gắn với cảng Chu Lai và sân bay Chu Lai? “Đây cũng là khu vực có lợi thế rất tốt về cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics, và đặc biệt là có không gian để phát triển”, ông Trần Thanh Hải nói.

Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu Trần Thanh Hải phát biểu tại hội nghị.

Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu Trần Thanh Hải phát biểu tại hội nghị.

Ông cũng gợi ý thêm một phương án khác. Đó là ngoài Khu TMTD trên địa bàn đã xác định và lập Đề án (gắn với cảng Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng), chính quyền TP có thể đề xuất với Trung ương bổ sung thêm khu vực Chu Lai để làm dư địa phát triển Khu TMTD Đà Nẵng.

“Vào thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 136, có thể Đà Nẵng chưa nghĩ đến việc này, nhưng bây giờ là lúc chính quyền TP nên tính đến. Đặc biệt, hiện Thủ tướng Chính phủ chưa chính thức ban hành Quyết định thành lập Khu TMTD Đà Nẵng nên theo tôi vẫn còn có thể điều chỉnh hoặc bổ sung”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, sau khi sáp nhập với Quảng Nam thì TP Đà Nẵng sẽ có thêm biên giới đường bộ bên cạnh việc đã có đầy đủ các loại hình vận tải đường bộ, đường biển, đường không, đường sắt. Tuy nhiên trái tim, động lực của các chuỗi cung ứng là các trung tâm logistics thì TP vẫn còn thiếu.

Trong khi đó, các địa phương hiện đang có sự bức phá rất lớn ở lĩnh vực này. Huế đang định hướng phát triển dịch vụ logistics ở khu vực gắn với cảng Chân Mây. Hôm qua ngày 17/4, Uỷ ban Thương vụ Quốc hội họp thì Hải Phòng xin cơ chế thành lập Khu TMTD như Đà Nẵng. Bà Rịa – Vũng Tàu cũng bắt tay với nhà đầu tư UAE để triển khai…

“Đà Nẵng có lợi thế đi trước một bước với Nghị quyết 136 của Quốc hội, nhưng nếu không có sự bứt phá, không có sự vào cuộc của cả chính quyền, DN cùng với nhà đầu tư thì sẽ rất dễ trở thành chậm chân, không phát huy được lợi thế của việc sáp nhập hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm