Đề xuất liên thông bảo hiểm xã hội cho lao động di cư
Vụ điều dưỡng bị tấn công: Nồng độ cồn trong máu bệnh nhân cao vọt / Đà Nẵng: Trường mầm non bất ngờ đóng cửa, Hiệu trưởng cũng không hay biết
Các đại biểu của CLMTV thảo luận về an sinh xã hội cho lao động di cư |
Trong hai ngày 20-21/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Quan chức cấp cao về hợp tác lao động Campuchia - Lào - Myanma - Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) lần thứ 4 với chủ đề “An sinh xã hội: Tính liên thông của bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư trong CLMTV”.
Với đặc điểm địa lý chung đường biên giới và sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, người dân tại các tỉnh dọc biên giới giữa các nước CLMTV không ngừng di cư sang quốc gia lân cận tìm kiếm việc làm.
Từ nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về độ bao phủ an sinh xã hội đối với lao động di cư, ông Markus Ruck – Chuyên gia cao cấp về An sinh xã hội, Văn phòng ILO khu vực cho biết, việc di cư trong khu vực ASEAN ngày càng tăng lên, trong đó khoảng 87% người lao động di cư không có tay nghề hoặc tay nghề thấp.
Trong khu vực ASEAN, 3 quốc gia Malaysia, Thái Lan và Singale là điểm đến của hơn 90% người lao động di cư. Việc tăng cường an sinh xã hội là một chính sách cần thiết để bảo vệ người dân ASEAN chống lại các tác động tiêu cực của việc hội nhập khu vực.
Theo ông Markus Ruck, cần có một công cụ điều tiết và các cơ chế, thể chế bao quát để tạo thuận lợi cho việc thực hiện, giám sát và đánh giá, việc quan trọng hàng đầu là phát triển một mạng lưới toàn diện các thỏa thuận bảo hiểm giữa các nước ASEAN, lý tưởng nhất là dưới hình thức một thỏa thuận đa phương.
Sau phiên họp tổng quan về vấn đề di cư và an sinh xã hội, đoàn đại biểu các quốc gia thành viên tiếp tục thảo luận về bảo hiểm xã hội cho lao động di cư và công tác tăng cường tính liên thông của bảo hiểm xã hội cho lao động di cư trong các quốc gia CLMTV.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù không có số liệu lao động Việt Nam di cư hằng năm nhưng ước tính có hơn 76.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các quốc gia trong CLMTV.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện có khoảng 50.000 người Việt đang làm việc tại Thái Lan, 20.000 người làm việc tại Lào, 6.000 người làm việc tại Campuchia.
“Lao động di cư đi làm việc sang Thái Lan, Campuchia, Lào chủ yếu là đi tự do theo hình thức cá nhân. Số còn lại đi theo các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư,” ông Trần Hải Nam cho hay.
Hiện nay, tại Việt Nam, lao động nhập cư từ CLMTV có khoảng hơn 1.000 người, trong đó chủ yếu là lao động Thái Lan với 950 người, Myanmar 25 người, Campuchia 25 người, Lào 9 người.
Theo ông Trần Hải Nam, số lao động này hầu hết đã được cấp giấy phép lao động, chủ yếu làm việc tại các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
Các đại biểu 5 nước tham gia hội nghị đã chia sẻ việc triển khai bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư tại mỗi nước trước nhu cầu mở rộng hơn nữa độ bao phủ về bảo hiểm xã hội người lao động di cư, góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động.
Đặc biệt, tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ rà soát việc thực hiện cam kết của 5 quốc gia đã được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng CLMTV lần thứ hai tổ chức hồi tháng 8/2017 cũng như chuẩn bị các nội dung ưu tiên nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác lao động CLMTV lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Campuchia vào năm 2019./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo