Tin tức - Sự kiện

Độ tuổi trung bình của người Việt nghiện game trẻ nhất trong khu vực

Thông tin này được Thạc sỹ Lê Thanh Hà, Giảng viên bộ môn Hóa - Sinh, Học viện Quân y 103, chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Nghiên cứu điều trị nghiện game online và trầm cảm ở thanh thiếu niên”, tổ chức chiều 7/11 tại Hà Nội.

Dự báo thời tiết 7/11: Bắc Bộ chuyển mưa rét / Đà Nẵng: Chi 10,5 tỷ đồng để làm mương thoát nước quận Liên Chiểu

Tọa đàm Nghiên cứu điều trị nghiện game online và trầm cảm ở thanh thiếu niên (Ảnh: T.H)

Thạc sỹ Lê Thanh Hà cho biết, độ tuổi trung bình của người Việt nghiện game là 19 tuổi – trẻ nhất so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Tại Việt Nam, trầm cảm dẫn đến tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với nhóm tuổi từ 15 đến 29 tuổi (chỉ xếp sau tai nạn giao thông). “Theo nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần TW 2, tỷ lệ trầm cảm của người Việt Nam ở độ tuổi từ 15 đến dưới 24 là gần 30%. Đây là độ tuổi đẹp nhất của đời người, ở tuổi này đáng ra các em phải trau dồi học tập, cống hiến cho xã hội thì các em lại tốn thời gian vào mạng ảo, vào game online để rồi bị trầm cảm, tách mình khỏi đời sống xã hội. Điều này thực sự đáng báo động” – Ths. Hà nói.

Theo Ths. Hà, nghiện game online kéo dài sẽ khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, bị trầm cảm, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. Nghiện game online hay internet gây rất nhiều tác hại. Những người sử dụng internet 5-6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi game không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội.

“Thực tế cho thấy, nhiều người nghiện game dù đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những người nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật...” – Ths. Hà cho biết.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, BS. Nguyễn Tất Định, Học viện Quân y 103 – Thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, gần đây nhất có một nam học sinh lớp 11 ở Hà Nội được gia đình đưa đến khám trong tình trạng người gầy gò ốm yếu, tinh thần mệt mỏi, không tập trung. Bố mẹ bệnh nhân này ly dị đã lâu, em chủ yếu ở với bà ngoại vì mẹ thường xuyên phải đi công tác xa.

 

Được mẹ trang bị cho máy tính, cậu bé này lao vào chơi game thâu đêm suốt sáng. Cậu chơi nhiều ngày liên tục, bỏ ăn bỏ uống, bỏ bê việc học hành để chơi game. Thấy con ngày càng kiệt sức vì chơi game, mẹ cậu bé đã cắt mạng internet để cấm con chơi. Tuy nhiên, cậu bé đã phản ứng lại bằng cách gào khóc, thậm chí lao vào đánh mẹ vì bị ngăn cản. Trước tình trạng bệnh tình của con, người mẹ đã đưa con đến Học viện Quân y 10 khám và tư vấn điều trị.

BS. Nguyễn Tất Định cho biết, trường hợp bệnh nhân này dù đã 16 tuổi nhưng hành vi chỉ như đứa trẻ 5 tuổi. Em không biết giao tiếp, tương tác với người khác và không tập trung vào bất cứ điều gì xung quanh…

“Khi tiếp nhận trường hợp này, chúng tôi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với nhóm thuốc an thần nhẹ. Trường hợp nặng hơn thì phải dùng biện pháp sốc điện...” – BS. Định cho biết.

BS. Định chia sẻ thêm, ngày càng có nhiều thanh, thiếu niên đến bệnh viện khám và điều trị do nghiện game. Điều đáng nói, tỷ lệ này tăng đột biến vào những tháng nghỉ hè.

Tại buổi tọa đàm, TS. BS Trần Thị Mỹ Hạnh, Giảng viên Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, nghiện game online là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này, một số khác có thể chết vì kiệt sức do chơi game liên tục trong nhiều giờ.

 

Theo TS. BS Mỹ Hạnh, không giống như nghiện ma túy, người nghiện game online tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn cho cuộc sống của họ. Vì thế khi chơi game, họ thấy thích thú, dễ chịu, và nếu không chơi sẽ khiến họ bứt rứt không yên và tìm mọi cách để được chơi.

“Tuy nghiện game online và trầm cảm là 2 vấn đề bệnh lý khác nhau, nhưng đều có biểu hiện của trầm cảm và ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của thanh thiếu niên, giảm sút khả năng học tập, lao động, tạo ra mối quan hệ căng thẳng với người thân, tách mình khỏi đời sống xã hội và tăng nguy cơ tự sát” – TS. Hạnh nói.

Tại Việt Nam, để điều trị những ca bệnh này, các bác sỹ thực hiện biện pháp: Cá nhân hóa điều trị. Nghĩa là các bác sỹ sẽ điều trị cắt cơn cho người bệnh. Sau khi cắt cơn, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái cô đơn do thiếu hụt đích mới trong cuộc sống. Vì vậy, bước tiếp theo các bác sỹ sẽ tạo dựng thiên hướng mới cho trẻ như âm nhạc, nấu ăn, các môn thể thao… để thu hút trẻ, giúp trẻ cân bằng tâm lý.

Tại buổi Tọa đàm các bác sỹ cho biết, đây là vấn đề cần được quan tâm trong xã hội hiện nay. Đồng thời các bác sỹ đưa ra khuyến cáo, để trẻ không bị lệ thuộc vào game, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghiện game, các bậc phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt.

Được biết, đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về tình trạng nghiện game online ở giới trẻ…

 

Theo thegioitiepthi.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm