Tin tức - Sự kiện

Đồng Tháp: Sức mạnh cộng đồng từ mô hình hội quán nông dân

DNVN - Mô hình hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp được xem là ngôi nhà chung của người nông dân, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển các loại hình hợp tác, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Khai giảng lớp học tiếng Hàn thông minh KLaSS đầu tiên tại Đà Nẵng / Sau gần 1 năm thi công, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vẫn vướng mặt bằng

Từ ngôi nhà chung

Chiều 18/11, trong khuôn khổ ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I năm 2023 đã diễn ra hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, mô hình hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp ra đời vào giữa năm 2016. Hội quán đầu tiên là Canh Tân Hội quán (huyện Châu Thành), thành lập trên cơ sở tự nguyện của người nông dân, xuất phát từ nhu cầu của chính họ, để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập.

a

Diễn giả trình bày tham luận về giá trị cộng đồng của hội quán.

Từ khi ra đời đến nay, hội quán đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển các loại hình hợp tác, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo ông Minh, mô hình hội quán đã giúp giải được bài toán “liên kết - hợp tác” giữa các nông dân với nhau, đây được xem là mắt xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí tăng chất lượng”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Đến nay, mô hình hội quán đã lan tỏa ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Đồng Tháp với 145 hội quán cùng với đó là hơn 7.500 thành viên đang hoạt động ở loại hình như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột.

Từ hội quán, đã có 38 hợp tác xã được thành lập để liên kết sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng. Từ đó, cho thấy hội quán chính là nền tảng tiến đến thành lập hợp tác xã.

Thông qua hội quán, đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, có 14 hội quán được cấp mã số vùng trồng với diện tích hơn 600ha xuất khẩu lúa, trái cây sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Nga, Nhật Bản và EU.

Song song đó, hội quán giúp người dân có cơ hội được tiếp cận với tiến bộ, khoa học, kỹ thuật, quá trình trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Đây là bước đệm cần thiết để người nông dân thích ứng với phương thức sản xuất hiện đại, minh bạch, góp phần tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm nhưng tiết kiệm được chi phí đầu vào của quá trình sản xuất.

Nói về sự ra đời của mô hình hội quán, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệmCanh Tân Hội quán chia sẻ, hội quán ra đời từ tháng 7/2016, là mô hình mới ở tỉnh Đồng Tháp nói chung, huyện Châu Thành nói riêng, từ sáng kiến của nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, nhằm giải quyết nhu cầu người dân xứ cù lao chúng tôi tại các buổi tiếp xúc cử tri.

Gian trưng bày của các hội quán.

Gian trưng bày của một hội quán.

Theo ông Bình, hội quán được hình thành và sinh hoạt trên nền tảng từ ngôi “Miếu Bà Chúa Xứ” tọa lạc tại ấp An Hòa, xã An Nhơn. Nằm trên đường huyện lộ Sông Tiền, tuyến đường nối liền đến TP Sa Đéc. Nơi sinh hoạt hội quán là trung tâm của 3 ấp cù lao An Hòa, Tân Hòa, Tân An cũng là thủ phủ của vùng đất trồng nhãn Châu Thành và là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của huyện. Hàng năm nơi đây cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn nhãn và hàng chục nghìn tấn cá tra nguyên liệu phục vụ cho tiêu dùng và tham gia xuất khẩu.

“Trải qua hơn 6 năm hình thành và đi vào hoạt động Canh Tân Hội quán thực hiện đúng tôn chỉ của mình là tập hợp bà con nông dân trong vùng gắn kết với nhau trong tình làng, nghĩa xóm, cùng bản chuyện làm ăn, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm mang hiệu quả kinh tế cao cho gia đình góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”, ông Bình chia sẻ.

Có thể nói,mô hình hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp được xem là ngôi nhà chung của người nông dân, là kết quả tích cực của quá trình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và mang đậm bản chất giá trị cộng đồng rất cao.

Hình thành những mô hình kinh tế

Về hiệu quả, Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán cho biết thêm, từ sự hình thành của hội quán, đã thành lập ra Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa, hoạt động vào tháng 12/2017 đã mở thêm hướng đi mới cho cây nhãn trên vùng đất cù lao. Đồng thời, xúc tiến cho thành viên tham gia đăng ký cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tính đến nay, hợp tác xã đã được cấp 23 mã số vùng trồng với diện 550 ha xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Úc, New Zealand, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm điển hình năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh kéo dài.

Mô hình hội quán gần với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao mà nơi đây từng ngày đã thay da đổi thịt, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc, đời sống tinh thần vật chất được nâng lên, hệ thống hạ tầng thông suốt hai mùa mưa nắng.

“Trong tương lai không xa 3 xã vùng cù lao này sẽ được gắn liền với trung tâm hành chính huyện bằng cây cầu ngang đường Nguyễn Huệ kết nối với tuyến đường huyện lộ Sông Tiền. Thành tựu đó có được ngày hôm nay xuất phát từ mô hình Hội quán đã làm cầu nối nông dân với nông dân; nông dân với doanh nghiệp; nông dân với chính quyền; nông dân với nhà khoa học…”, ông Bình nói.

Ban tổ chức đánh giá

Ban tổ chức đánh giá sản phẩm trưng bày của các hội quán.

Nhận định vai trò quan trọng của hội quán nông dân đối với việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, ThS Huỳnh Kim Thừa - Trường Đại học Xây dựng miền Tây cho rằng, hội quán thúc đẩy thay đổi nhận thức, khắc phục giới hạn quy mô và tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển mô hình kinh tế tập thể.

Theo bà Thừa, mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp không phải là mô hình hoàn toàn mới đối với nông dân, tuy nhiên, để nông dân hiểu rõ và thực hiện mô hình này trong điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn nhất là trong nhận thức về lợi ích của các mô hình này. Hội quán sẽ là nơi giúp nông dân giải quyết vấn đề thay đổi nhận thức, tiến lên cách làm mới, chấp nhận mô hình như một xu thế và giải pháp cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp.

Hiện nay, các mô hình kinh tế tập thể trong, ngoài nước nói chung và trong nông nghiệp nói riêng đều đối mặt khó khăn lớn về tiềm lực tài chính, nhất là với những hộ quy mô sản xuất nhỏ, khó đạt hiệu quả cao trong chuyển đổi sang kinh tế tập thể.

Với khó khăn này, các hội quán nông dân có thể khắc phục thông qua những bước đi và cách làm từ trước đến nay các hội quán đã đạt được, nhất là về tiềm lực tài chính. Sự thành công của các hội quán là điểm nhấn cho các nhà đầu tư hay các ngân hàng có thể đầu tư. Các hội quán cũng dễ dàng thu hút đầu tư khi xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả để đề xuất và kêu gọi vốn đầu tư.

“Từ những giá trị được xem như nguồn vốn của xã hội đó là tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản đối của các thành viên trong các hội quán cùng với việc chuyển từ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, đến tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu thị trường theo hướng sản xuất hàng hóa uy tín, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là sức mạnh tổng hợp để xây dựng thành công các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp trong thời gian tới ở các hội quán nông dân”, bà Thừa nhận định.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm