Tin tức - Sự kiện

Đề xuất thay đổi nhiều quy định liên quan đến quản lý vận tải bằng xe ô tô

Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên.

Đà Nẵng: Phân cấp quản lý quỹ đất trống gắn với trách nhiệm địa phương / Xuất hiện chiêu giả tổng đài BHXH TP Hồ Chí Minh để lừa đảo

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông tỉnh Hòa Bình kiểm tra phương tiện tham gia giao thông tại km4, Quốc lộ 6. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Đây là một trong những điều chỉnh quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vừa được Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ trong Tờ trình số 12806/TTr - GTVT về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Cụ thể, các nội dung đề xuất sửa đổi nằm trong Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe; Nghị định số 10/2020/NĐ - CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Nghị định số 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ - CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sử đổi, bổ sung 18 nội dung.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 7 như sau: “5. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm g) Điều 15 của Nghị định này và danh sách hành khách kèm theo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải qua thư điện tử hoặc qua phần mềm quản lý vận tải của Bộ Giao thông vận tải”.

Trong đó bổ sung quy định gửi kèm theo danh sách hành khách trước khi thực hiện hợp đồng để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, ngăn chặn việc các đơn vị sử dụng xe hợp đồng đón thêm khách như tuyến cố định và cập nhật thêm vào danh sách hành khách để đối phó.

 

Sửa đổi, bổ sung khoản 6, khoản 7 Điều 19 để bổ sung thêm chế tài xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đối với đơn vị không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền hoặc trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu; bổ sung quy định về thời hạn cấp lại giấy phép đối với trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm quy định dẫn đến bị thu hồi giấy phép nhằm mục tiêu tăng tính răn đe đối với đơn vị vi phạm.

Sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 22 bổ sung đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h) để đảm bảo tính kịp thời đối với các trường hợp vi phạm khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định về tốc độ của người lái xe.

Sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 22 theo hướng bổ sung quy định về thời gian thu hồi được tính kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi ban hành quyết định thu hồi; đồng thời bổ sung chế tài tăng nặng đối với các trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục.

Ngoài ra, cũng sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 12 Điều 22 quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp trong trường hợp không sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải hoặc hết thời hạn thuê phương tiện hoặc bán, chuyển nhượng cho đơn vị khác để ngăn chặn tình trạng xe đã cấp phù hiệu không còn sử dụng hoặc được bán sang đơn vị khác nhưng không báo cáo và nộp lại cho cơ quan cấp, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt trong quá trình xử lý vi phạm theo quy định…

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe gồm 4 điều; trong đó gồm 3 điều sửa đổi các nghị định và 1 điều thi hành. Điều 1: Sửa đổi, bổ sung 17 điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung 18 điều của Nghị định số 10/2020/NĐCP; Điều 3: Sửa đổi, bổ sung 18 điều của Nghị định số 119/2021/NĐ-CP.

 

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP) cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đã cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng hơn; đồng thời tiếp tục siết chặt để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp kết quả đánh giá của các Sở Giao thông vận tải về tình hình thực hiện, vẫn còn gặp một số tồn tại khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, một số quy định đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch còn khó xác định trong thực tế hoặc phải có công cụ công nghệ thông tin để xác định; trong quá trình thực hiện, lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xác định vi phạm đối với một số quy định, như quy định tại khoản 3 Điều 7 và khoản 3 Điều 8: “c) Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh”.

Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng nhiều xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng lại hoạt động trá hình tuyến cố định gây khó khăn cho công tác quản lý.

Một số nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý hoạt động vận tải đã được quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; trong đó các nhiệm vụ có lộ trình phải hoàn thành trong năm 2021 và năm 2022 nhưng đến nay chưa thực hiện được do chưa có nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng.

 

Hiện nay, chỉ có hệ thống xử lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình đang hoạt động, tuy nhiên hệ thống được xây dựng từ năm 2015, cho đến nay đã được 8 năm; về công nghệ thông tin phát triển như vũ bão trong những năm gần đây thì một hệ thống phần mềm đã được sử dụng trong 8 năm đương nhiên bị lạc hậu, không bắt kịp xu thế phát triển và đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình hiện nay.

Hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh camera mới dừng lại ở bước thử nghiệm, hiện các Sở Giao thông vận tải đang phải theo dõi, chiết xuất dữ liệu trên phần mềm của đơn vị vận tải, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đã có quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Tuy nhiên, chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại, dẫn đến đơn vị bị thu hồi có thể đề nghị cấp lại ngay sau khi bị thu hồi. Điều này không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, chưa có quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu trong trường hợp không còn sử dụng phương tiện để kinh doanh dẫn đến tình trạng dễ bị lợi dụng, trong thực tế, có đơn vị kinh doanh vận tải bán phương tiện nhưng không nộp lại và người mua tiếp tục sử dụng phương tiện kèm phù hiệu để tiếp tục kinh doanh trái pháp luật, vì vậy rất khó khăn trong quản lý.

“Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã có một số chế tài xử lý vi phạm, tuy nhiên trong thời gian qua, một số đơn vị kinh doanh vận tải cố tình vi phạm quy định, thậm chí có đơn vị vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp này, đồng thời, chưa có chế tài đối với phương tiện tái phạm; vì vậy, cần thiết phải bổ sung thêm quy định này để đảm bảo tính răn đe”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho hay.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm