Tin tức - Sự kiện

Giải pháp nào để sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm bứt tốc?

Bộ Công Thương nhận định, bức tranh ngành công nghiệp vẫn đang hồi phục còn chậm và 6 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khá thách thức.

Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại Ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng / Đội Pháp vô địch Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023

Thách thức 6 tháng cuối năm

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Công Thương diễn ra gần đây, theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ tính riêng trong tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng Bộ Công Thương cũng nhận định bức tranh ngành công nghiệp vẫn đang hồi phục còn chậm và 6 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khá thách thức, khó khăn.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết: "Trong 6 tháng cuối năm nay, một số khó khăn vẫn hiện hữu, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục làm kinh tế khó khăn, căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine. Ở thị trường trong nước, giá nguyên vật liệu,chi phí logisticsvà lãi suất ngân hàng vẫn cao".

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,7%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%. Theo Bộ Công Thương, một số ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, đồ gỗ… bị ảnh hưởng nặng nhất do nguồn cầu thế giới sụt giảm. Theo các doanh nghiệp, trên thực tế cũng đang có những tín hiệu từ thị trường đang dần cải thiện và họ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng tốc trong 6 tháng cuối năm.

Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực giữ thị trường ở nửa cuối năm

Giải pháp nào để sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm bứt tốc? - Ảnh 1.

Theo các doanh nghiệp, Hiệp hội trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, đơn hàng xuất khẩu đã có tín hiệu khả quan khi các khách hàng từ thị trường chủ lực tăng đặt hàng khoảng 5%. Các doanh nghiệp vẫn đang tích cực tìm kiếm khách hàng.

Dù đơn hàng còn dè dặt, nhưng theo một số doanh nghiệp, tình hình sản xuất đã phần nào khởi sắc ở đầu quý 3, công suất các nhà máy đạt trên 60%. Ngoài chủ động tham gia hội chợ, triển lãm tìm khách hàng, doanh nghiệp còn hướng đến các thị trường mới nổi như Trung Nam Mỹ, khối ASEAN…, đi kèm đó là các chính sách giảm giá, hậu mãi để giữ thị trường.

Ông James Ou, Tổng Giám đốc Home Design Wood Manufacturing, cho biết: "Chúng tôi thiết kế lại sản phẩm phù hợp với thị yếu khu vực đó, đơn giản hoá kết cấu để giảm giá thành sản phẩm để bán được nhiều sản phẩm hơn".

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, nói: "Kinh tế vẫn còn khó khăn do tình hình thế giới chưa ổn định nhưng đơn hàng đã có những tín hiệu tốt, khách hàng đã tìm hiểu và xuống đơn hàng, đơn hàng có nhích lên và khách hàng cũng đang đàm phán kế hoạch cho đơn hàng cuối năm".

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, bước sang quý 3, có gần 53% doanh nghiệp đã ổn định được hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp đang tích cực tái cơ cấu, chuyển đổi số, sản xuất xanh… nhằm tiến sâu vào các thị trường ngách, tăng sức cạnh tranh.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, nói: "Doanh nghiệp xuất khẩu cũng khoanh lại được những đối tác xuất khẩu ổn định để duy trì hoạt động. Cuối quý 3, đầu quý 4 chuyện bắt nhịp với đơn hàng có lại rất nhanh. Bây giờ vấn đề tồn kho đã giảm, chi phí được sắp xếp, doanh nghiệp cũng gần như tái cấu trúc được hoạt động của mình".

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh xuất khẩu theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh là thị trường thu hẹp, thiếu hụt dòng tiền, còn khó trong tiếp cận vốn vay. Hiệp hội này cũng vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay…, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp hồi phục công nghiệp cuối năm 2023

Bộ Công Thương cũng nhận định, trong 6 tháng năm 2023, có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng. Ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, tại nhiều địa phương cũng đang nỗ lực tháo gỡ "nút thắt" để sản xuất công nghiệp sớm phục hồi.

Giải pháp nào để sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm bứt tốc? - Ảnh 2.

Sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất da và các sản phẩm từ da là 2 lĩnh vực giảm sâu nhất trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đại diện Sở Công Thương, 6 tháng cuối năm trên cơ sở rà soát lĩnh vực sản xuất chỉ số giảm sâu, hàng tồn kho cao để đưa ra giải pháp cụ thể kết nối doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi tiến hành đẩy nhanh triển khai xây dựng các cụm công nghiệp và đưa vào hoạt động, tiếp tục rà soát phương án quy hoạch và cập nhật bổ sung các cụm công nghiệp mới vào để tập trung phát triển theo định hướng phát triển, NQ 15 của Bộ Chính trị ban hành và chương trình phát triển tái cơ cấu ngành công thương đã ban hành".

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng là định hướng mà Sở Công Thương TP.Hà Nội chú trọng. Với hơn 200 doanh nghiệp trong hiệp hội quy mô nhỏ và vừa, Đại diện Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ TP Hà Nội cũng đề xuất sớm có Chính sách hỗ trợ phát triển ngành này.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, cho biết: "Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng chúng tôi xây dựng chính sách phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, luật dành cho ngành công nghiệp phụ trợ. Cần xây dựng chính sách thí điểm để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam để hỗ trợ sản xuất toàn cầu".

Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng cuối năm nay, tiếp tục triển khai mạnh hơn các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI, để vừa phục hồi chỉ số công nghiệp, vừa đón đầu làn song đầu tư FDI vào Việt Nam.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, chia sẻ: "Đối với một số doanh nghiệp trong ngành khuôn đúc, chúng tôi cũng ký với Samsung triển khai đào tạo 200 kĩ sư trong ngành khuôn đúc, đây là ngành quan trọng trong nền công nghiệp chế biến chế tạo. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tiến hành hợp tác với các tập đoàn lớn, Toyota, để tiếp tục lựa chọn các doanh nghiệp có điều kiện, đủ khả năng để tiếp tục hỗ trợ họ nâng cao sản xuất".

Bộ cũng cho biết sẽ thường xuyên làm việc với các chuyên gia nước ngoài để giúp các doanh nghiệp Việt cải tiến quản lí, giảm tồn kho, giảm chi phí để tăng năng lực cạnh tranh, trực tiếp cung cấp và làm việc cho các đơn vị phân phối sản phẩm công nghiệp lớn trên thế giới. Ngoài ra, trong dài hạn Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lí cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới.

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2023.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm