Hà Nội: Chống ùn tắc giao thông dịp cuối năm
Vietnam Airlines tăng gần 550 chuyến bay dịp cao điểm Tết Nguyên đán / Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Quy hoạch tỉnh Hậu Giang phải đồng bộ, linh hoạt, kết nối vùng
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm phải rào chắn một phần hè, đường phố. Vào các khung giờ cao điểm hay trời mưa, những khu vực rào chắn này rất dễ biến thành những “điểm nghẽn, nút thắt” là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người tham gia giao thông.
Để chủ động phòng tránh ùn tắc giao thông dịp cuối năm, các ngành chức năng của thành phố đã chủ động xây dựng phương án và triển khai các biện pháp giảm ùn tắc giao thông. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ nay đến cuối năm, các đơn vị có trách nhiệm sẽ thực hiện xén dải phân cách trên nhiều tuyến phố. Trước mắt, từ nay đến 31/12/2023, Sở Giao thông Vận tải giao cho Ban Duy tu các công trình giao thông tiến hành xén dải phân cách một số tuyến phố, nút giao như: Ngã Tư Sở, đường Trịnh Văn Bô, làn đường rẽ dành cho xe máy đường Châu Văn Liêm, đường dẫn xuống cầu Thanh Trì… Đây là những tuyến phố, nút giao có lưu lượng phương tiện đông đúc, xung đột nhau và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Điển hình như nút giao thông Ngã Tư Sở dù ngành chức năng thường xuyên điều chỉnh biện pháp tổ chức giao thông; trong đó có bổ sung cầu vượt theo hướng Nguyễn Trãi - Tây Sơn, nhưng sau khi đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao thông xe, dòng phương tiện “đổ xuống” khiến lưu lượng phương tiện từ đường Trường Chinh vào nút giao quá tải, gây ùn tắc giao thông kéo dài.
Để khắc phục tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở và các tuyến đường lân cận, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chi gần 5,5 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo hạ tầng, tổ chức lại giao thông khu vực nút giao. Theo đó, điều chỉnh dải phân cách, đảo giao thông trong phạm vi nút kết hợp thảm nhựa bê tông cục bộ mặt đường trong nút; sơn, kẻ, đặt biển báo tổ chức giao thông. Đồng thời, di chuyển các cây xanh trên đảo dẫn hướng trong khu vực nút giao và một phần đảo cây xanh tại hướng rẽ Nguyễn Trãi ra đường Trường Chinh, đường Trường Chinh ra phía Tây Sơn.
Sau khi di chuyển cây xanh, nhà thầu sẽ thi công kết cấu mặt đường. Trong đó, điều chỉnh thu hẹp dải phân cách dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở, để mở rộng điểm cho các xe quay đầu theo 2 hướng Nguyễn Trãi (trụ P7 - P8) và Tây Sơn (trụ P2 - P3); 4 đảo giao thông được dỡ bỏ để làm mặt đường xe chạy. Như vậy, làn dừng chờ cho các phương tiện trước đèn tín hiệu tăng lên 7 - 8 làn, thay vì 3 làn trước đây. Cây xanh tại 4 đảo giao thông sẽ được di chuyển để phục vụ cải tạo, mở rộng lòng đường.
Ông Nguyễn Văn Hóa, đại diện nhà thầu Công ty cổ phần Cicom, Chỉ huy trưởng công trường cho biết, trong điểu kiện vừa thi công vừa đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua nút giao này, trong thời gian được phép thi công, nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, áp dụng các biện pháp thi công khoa học nhằm hoàn thành việc cải tạo khu vực nút giao vào ngày 20/12.
Tại công trường thi công dự án cầu vượt nút giao An Dương, đường Thanh Niên kết hợp với việc thay thế một phần đê đất sang đê bê tông cũng đang rào chắn khu vực công trường làm thu hẹp mặt đường, khiến đoạn đường này nguy cơ trở thành một điểm nóng ùn tắc giao thông trong dịp cuối năm.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, theo tiến độ được giao, dự án kết thúc vào năm 2024 nhưng thành phố đã yêu cầu rút ngắn tiến độ 6 tháng. Nhà thầu cũng đã cam kết sẽ khắc phục khó khăn, đặc biệt, khi giá vật tư đang tăng rất cao để quyết tâm triển khai thực hiện theo tiến độ rút ngắn. Hiện, dự án đang được triển khai thi công 3 ca liên tục. Ban cam kết từ nay cho đến Tết Nguyên đán 2024, sẽ hoàn thành khoảng1km, gồm 300 m từ khách sạn Thắng Lợi đến Xuân Diệu và 700 m từ đường Lạc Long Quân đến Nhật Tân.
Cùng với việc xén dải phân cách, tổ chức giao thông khu vực các nút giao, tuyến phố, các lực lượng chức năng cũng có kế hoạch huy động tối đa lực lượng để phân luồng, hướng dẫn giao thông. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải sẽ tăng cường 100% quân số cùng với các lực lượng thường xuyên túc trực trong các khung giờ cao điểm tại các vị trí nút giao cắt, các trục đường chính để kịp thời phân luồng, giải tỏa giao thông.
Phòng Cảnh sát Giao thông cũng yêu cầu các đơn vị chủ động nắm bắt tình hình địa bàn, đặc biệt là những địa bàn có các công trình đang thi công, địa bàn có tình hình giao thông phức tạp, chủ động lên phương án, bố trí lực lượng. Đồng thời, các đơn vị làm tốt công tác phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã, trao đổi thông tin về tình hình giao thông trên tuyến, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh để chủ động có biện pháp giải quyết khi có ùn tắc.
Đặc biệt, Phòng Cảnh sát Giao thông đề nghị người dân chủ động cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo: "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội", số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 để xử lý kịp thời.
Trước mắt, thành phố Hà Nội đã có phương án phân luồng giao thông để đón đoàn khách quốc tế sang thăm chính thức Việt Nam vào ngày 12 - 13/12. Theo đó từ 12 giờ - 21 giờ 30 phút ngày 12/12 và 7 giờ 30 phút – 17 giờ ngày 13/12 sẽ tạm cấm đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa (trừ các xe có phù hiệu bảo vệ, xe bus, xe vệ sinh môi trường, xe giải quyết, khắc phục sự cố; xe chở khách tuyến cố định) trên một số tuyến đường giao thông theo hiệu lệnh, chỉ dẫn của lực lượng chức năng; hạn chế đối với xe ô tô cá nhân, xe mô tô hoạt động trên các tuyến đường giao thông địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Với hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, cùng với các giải pháp lâu dài thì việc triển khai các giải pháp tình thế, cấp bách; tăng cường xử lý vi phạm để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội là cần thiết. Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây có nội dung tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; nghiên cứu, khẩn trương xây dựng hoàn thiện hệ thống camera giao thông để đảm bảo hiệu quả trong quản lý và xử phạt người vi phạm; nghiên cứu, đề xuất nâng mức xử phạt đối với một số hành vi. Nếu biện pháp này phát huy hiệu quả sẽ góp phần nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông trong việc tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao