Tin tức - Sự kiện

Khánh Hòa: Phát triển tiềm năng, vươn ra thế giới

DNVN - Ngày 31/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo Tổng kết Kết luận số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Chính trị khóa XI.

Khánh Hòa: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất / Đề xuất đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng làm cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuật

Hội thảo được tổ chức nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chủ trì Hội thảo có đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tiềm năng, thách thức phát triển vùng
Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, Khánh Hoà đã có nhiều nỗ lực khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển.
Trong giai đoạn 2012-2019, kinh tế tỉnh tăng trưởng khá đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011.
Bên cạnh đó tỉnh trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực; Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp. Một số cơ sở công nghiệp và hạ tầng quan trọng được hình thành như Nhà máy nhiệt điện Sumitomo Vân Phong, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Khu công nghiệp Suối Dầu. Hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng đạt một số kết quả bước đầu.
Đồng thời, nhằm đánh giá toàn diện những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, Ban Kinh tế Trung ương đã ban hành Quyết định số 149-QĐ/BKTTW, ngày 13/9/2021 về thành lập Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo 149) xây dựng Đề án gồm 23 đồng chí là Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành và Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hải Ninh, UV TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa thông tin, “Sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển Vùng, góp phần với cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII, XIII của Đảng”
Đồng chí

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngphát biểu trong hội thảo

Theo đó, tỉnh Khánh Hoà đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Bên cạnh những kết quả và ưu điểm vượt trội về địa lý vị trí, thì tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Một số mục tiêu và chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành. Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự là động lực phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết, quy mô kinh tế tỉnh còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao, tăng trưởng chưa bền vững. Nguồn thu ngân sách chưa ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Phát triển văn hoá - xã hội còn bất cập. Thu nhập bình quân đầu người thấp. An ninh tuyến biển và một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế, hiệu lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, ở một số giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm… và đây chính là khó khăn, thách thức đối với Khánh Hòa trong thời gian tới.
Ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: “Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW cho thấy, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Việc nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Kết luận 53-KL/TW chưa được hoàn thành, nhất là trong những năm gần đây, phát triển của Khánh Hòa không có những tăng trưởng đột phá so với nhiều tỉnh, thành trong vùng và cả nước cho thấy, Khánh Hòa cần có những đột phá mạnh mẽ, vừa để khắc phục những tồn tại, hạn chế”.
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh phát biểu trong hội thảo

Ông Nguyễn Hải Ninh- UV TW Đảng- Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Khánh Hòa phát biếu tại Hội thảo.

Cần những chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá mới

Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhiều ý kiến có tính gợi mở về các lĩnh vực, các đột phá cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để tạo ra các động lực tại chỗ nhằm phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hòa trong thời gian tới, đặc biệt là hạ tầng giao thông, giáo dục đào tạo, những đề xuất để giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh sinh thái và đảm bảo quốc phòng an ninh, giữa đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, giữa nâng cao chất lượng lao động, giảm nghèo…
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương- Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam góp ý: Một điểm đáng ghi nhận khác trong tiến trình phát triển TP Nha Trang - Khánh Hòa thực sự trở thành “Trung tâm du lịch” của vùng và tiến tới của quốc gia là việc thực hiện vai trò “hạt nhân” trong liên kết vùng, cụ thể là việc hiện thực hóa ý tưởng chiến lược “Tam giác tăng trưởng du lịch” Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt thông qua việc phát xây dựng và đưa vào hoạt động Quốc lộ 27C và trong tương lai gần là tuyến đường cao tốc nối TP Nha Trang với TP Đà Lạt và đường ven biển nối TP Nha Trang với TP Phan Rang.
Song song với đó tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ cần phải cụ thể hóa các bài học kinh nghiệm quốc tế, và chủ trương, giải pháp lớn của Đảng và Chính phủ, thì việc quy hoạch, khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển một cách hiệu quả, gắn với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh cần có các cơ chế chính sách đặc thù chung đối với Khu Kinh tế Vân Phong để đóng góp GDP cho tỉnh, song song đó là phát triển dịch vụ logistics - ngành đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương, định hướng mới, phù hợp với thực tiễn phát triển, tình hình quốc tế và khu vực, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao

Đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa -xã hội của tỉnh Khánh Hòa

Đánh giá cao ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, với vị trí đặc biệt quan trọng của Khánh Hòa về địa chính trị, địa kinh tế cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, gắn với bảo vệ vững chắc quyền biển đảo, các đại biểu đều thống nhất việc cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, để hướng tới phát triển bền vững Khánh Hòa trên cơ sở khai thác tốt, có hiệu quả các lợi thế tiềm năng của Khánh Hòa; gợi mở những định hướng lớn có tính đột phá và phù hợp với các xu thế phát triển của quốc tế, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh bền vững, kinh tế tuần hoàn; khẳng định, Khánh Hòa phát triển không phải chỉ riêng cho Khánh Hòa mà còn cho cả vùng và cả nước.
Tổng kết hội nghị, Ban Chỉ đạo nhất trí với dự thảo: Báo cáo Đề án, Tờ trình Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, các đại biểu thống nhất cao để Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo động lực cho địa phương, phù hợp với thực tiễn phát triển, tình hình quốc tế và khu vực, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc an ninh của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.

Khánh Hòa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc; là cửa ngõ chính ra biển Đông; có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ ra các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa nhiều mặt của tỉnh Khánh Hoà, vùng duyên hải Nam Trung bộ và cả nước.

Kiều Nhung - Hoàng Thơ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm