Khánh Hòa: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất
DNVN - Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ sớm phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Triển lãm trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống phục hồi sau đại dịch / Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phải có chính sách tài khoá bằng tiền thật
Theo đó, Ban Chỉ đạo được quyền yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch đối với tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ban Chỉ đạo cũng có quyền yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan đó.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo có quyền mời đại diện các cơ quan liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn.
Tỉnh Khánh Hòa cùng doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh phòng, chống COVID-19
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh thực hiện kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ chủ động tiếp nhận kiến nghị, đề xuất phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh và giải quyết nhanh nhất cho doanh nghiệp; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng, hóa an toàn; hướng dẫn tư vấn chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Tuân, để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả nhất, UBND tỉnh sẽ giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo. Trong đó, 2 đơn vị có vai trò quan trọng là Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).
Đối với Sở Công Thương, UBND tỉnh giao nhiệm vụ tạo điều kiện, hỗ trợ triển khai tổ chức lại sản xuất theo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; từng bước khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong cụm công nghiệp. Cùng đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của tỉnh; tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại, bán buôn, bán lẻ được khôi phục; mở rộng kết nối, liên kết tiêu thụ giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Đối với Sở KH-ĐT, UBND tỉnh yêu cầu sở có trách nhiệm triển khai Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để duy trì và thực hiện “mục tiêu kép”; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu thêm những hướng phát triển mới (đầu tư các dự án điện gió trên biển, công nghiệp dược, chuyển đổi số...) và các lĩnh vực sớm tạo sức bật tăng trưởng ngắn hạn, hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, Sở KH-ĐT đóng vai trò chủ chốt trong phối hợp với các sở, ban, ngành, các ban quản lý dự án thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đúng kế hoạch đề ra, nhất là đối với các dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành và địa phương được giao nhiệm vụ cụ thể hỗ trợ DN phục hồi sản xuất. Khi có các vướng mắc vượt thẩm quyền, sở, ngành sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo để có sự điều hành kịp thời.
Hiện nay, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung giải quyết những chính sách, các gói hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tiếp đó là giải quyết vấn đề về vốn vay và hướng xử lý khi có dịch bệnh xảy ra trong quá trình sản xuất.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 932 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn gần 8.154 tỷ đồng, giảm 38,24% số lượng và giảm 2% về vốn kinh doanh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu tính riêng mức vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp thành lập mới tăng 58,7% (bình quân đạt 8,7 tỷ đồng/doanh nghiệp).
Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh có 962 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số đơn vị sản xuất, kinh doanh đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên 1.894 doanh nghiệp. Toàn tỉnh ghi nhận 257 doanh nghiệp giải thể, giảm 18,67%. Tuy nhiên, số doanh nghiêp đăng ký tạm ngừng hoạt động lên tới 1.302 doanh nghiệp, tăng 12,82%.
Hoàng Thơ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo