Tin tức - Sự kiện

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nông dân, vững tin hội nhập

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Ninh Bình đã có nhiều bước phát triển; tạo nên sức hút và lan tỏa rộng khắp, góp phần khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân.

Gỡ “điểm nghẽn” liên kết, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long / Giải ngân vốn đầu tư công: Kinh nghiệm của tốp đầu

Chú thích ảnh
Ông Bùi Đức Thịnh, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".

Nhiều nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, trở thành những "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

Nhiều tấm gương tiêu biểu

Năm 2014, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ông Bùi Đức Thịnh (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn) đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 2,6 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Nhờ ứng dụng công nghệ thông minh trong nuôi trồng thủy sản thông qua việc xây dựng hệ thống ao nuôi được điều khiển từ xa bằng điện thoại và sử dụng máng ăn nuôi cá tự động, mô kinh của gia đình ông Thịnh đã phát huy hiệu quả, đạt năng suất cao. Ông Thịnh cũng là một trong những người tiên phong áp dụng nuôi cá theo quy trình VietGAP không chỉ cho hiệu quả cao mà còn khắc phục được những hạn chế của phương pháp nuôi truyền thống trước đây. Đến nay, mỗi năm, gia đình ông xuất bán trên trên 70 tấn cá, đạt doanh thu 3,5 tỷ đồng, trừ hết chi phí đầu tư còn thu lãi từ 700 - 800 triệu đồng.

Ông Đinh Văn Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Hòa đánh giá, việc áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap và ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất của gia đình ông Bùi Đức Thịnh đã mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường cũng như làm thay đổi tư duy của bà con về nuôi trồng thủy sản bền vững. Đây là mô hình phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Sự thành công của mô hình là nhân tố thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương ngày càng phát triển.

Với những kết quả đã đạt được, năm 2022, ông Bùi Đức Thịnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2017 - 2022. Ông Thịnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là một trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".

 

Chú thích ảnh
Bà Lương Thị Thịnh (đứng thứ hai, từ phải sang) ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".

Bà Lương Thị Thịnh (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) cũng là một trong những hội viên nông dân đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Bà Thịnh chia sẻ, trước đây, gia đình bà lựa chọn nghề nông làm nghề chính để mưu sinh. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cấp Hội Nông dân, gia đình bà quyết định xây dựng mô hình sản xuất đá mỹ nghệ trên chính mảnh đất quê hương. Trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình, bà được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Bình cho vay 2 tỷ đồng để đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

Đến nay, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Thịnh Vượng của gia đình bà cho doanh thu 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ ở địa phương. Bà Thịnh cũng là người vận động, thành lập Tổ hợp tác sản xuất chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân với 35 thành viên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Ghi nhận những nỗ lực, thành tích và những đóng góp cho phong trào nông dân, bà Lương Thị Thịnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn trong số 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023".

Khích lệ nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai sâu rộng và trở thành điểm nhấn trong công tác Hội và phong trào nông dân. Nhằm tạo hiệu ứng, sức lan tỏa cho phong trào, các cấp Hội đã chú trọng tuyên truyền, biểu dương các gương điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua đó, góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, động viên hội viên, nông dân hăng hái tham gia phong trào. Đây cũng là hoạt động góp phần tăng cường đoàn kết, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, tích cực xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào đã có gần 3.600 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2022 còn 2,36%.

Trong quá trình triển khai phong trào, Hội Nông dân các cấp luôn gắn với việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra; xây dựng các mô hình, nhãn hiệu sản phẩm, sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đến nay, các mô hình kinh tế tập thể, mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đặc biệt là chuỗi cửa hàng nông sản an toàn đều duy trì, hoạt động có hiệu quả và khẳng định rõ vai trò của Hội trong việc vận động nông dân tham gia phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã vận động hội viên thành lập được 78 hợp tác xã, 133 tổ hội nghề nghiệp, 331 tổ hợp tác. Các tổ chức kinh tế tập thể này hoạt động đa ngành nghề; xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.

 

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 29,7 nghìn hộ nông dân các cấp đạt danh hiệu "Hộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" và 317 mô hình giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2022, địa phương có 334 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ nông dân được Hội Nông dân, UBND các cấp biểu dương, khen thưởng.

Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đánh giá, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã tạo mối liên kết giữa các hộ nông dân ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện để thực hiện tái cơ cấu và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Phong trào đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của hội viên, nông dân; hình thành mô hình kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được và tiếp tục thực hiện tốt phong trào, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tập thể, cá nhân được tôn vinh khen thưởng. Bởi đây là những tấm gương sáng, là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt các phong trào thi đua. Đồng thời, các cấp Hội chủ động, trách nhiệm trong việc hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thông qua các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về vốn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản... giúp nông dân vững tin hơn trong quá trình hội nhập và phát triển.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm