Tin tức - Sự kiện

Gỡ “điểm nghẽn” liên kết, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

DNVN - Theo Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ xây dựng 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp có điều kiện về hạ tầng, kết nối. Trong đó, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ sẽ thúc đẩy liên kết, nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản vùng ĐBSCL.

Cần định vị thương hiệu và tạo sự khác biệt đối với du lịch Vĩnh Long / Giải bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt

Ngày 15/9 tại TP Cần Thơ, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên TP Cần Thơ năm 2023 với chủ đề “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Diễn đàn thu hút 150 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; các chuyên gia, nhà khoa học, các viện, trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh ý nghĩa tầm quan trọng của Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại TP Cần Thơ

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh ý nghĩa tầm quan trọng của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, có đóng góp lớn vào xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Năm 2020, quy mô kinh tế toàn vùng đạt 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm (GDP) cả nước.

Tuy nhiên, nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp; nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Ngoài ra, hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu; giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí vận chuyển trong các chuỗi giá trị sản xuất, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa; biến đối khí hậu vẫn đang tác động lớn đến vùng.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh, Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Trong đó, có việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL. Việc hình thành Trung tâm với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết nhà nông - nhà sản xuất - doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ)

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ nêu giải pháp thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản ĐBSCL.

 

Liên quan đến việc liên kết, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, trong 3 ngành chính lúa gạo, trái cây, thủy sản ở vùng ĐBSCL đang có những lợi thế và bất lợi, có ngành hàng lợi thế về đất đai, giống nuôi, xuất khẩu nhưng lại yếu về cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, chế biến, logictis và thương hiệu.

Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận diện 4 vấn đề chính mà ĐBSCL đang gặp phải gồm điểm yếu về cơ sở hạ tầng giao thông và logistics; lực lượng lao động có tay nghề; công nghệ chế biến ở ĐBSCL đang thiếu những doanh nghiệp có quy mô, đầu tư lớn để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu. Vùng ĐBSCL cũng đang thiếu cơ chế để thúc đẩy, ưu đãi, ưu tiên cho lĩnh vực cho công nghiệp chế biến.

Để giải quyết những “điểm nghẽn” này, theo ông Lam cần phải triển khai nhanh các Nghị quyết, đề án, chương trình để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tập trung đầu mối về Trung tâm sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.

Còn ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho biết, ĐBSCL đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản chủ lực của vùng. Liên kết chuỗi ngành hàng chưa đạt như kỳ vọng do những rào cản, hạn chế về giao thông kết nối nội vùng, với TP Hồ Chí Minh và quốc tế.

 

Các đại biểu tham gia phiên đối thoại 2 tại diễn đàn.

Các đại biểu tham gia phiên đối thoại tại diễn đàn.

Theo ông Tùng, ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội. Việc hình thành Trung tâm liên kết vùng ĐBSCL sẽ gắn kết các nhà lại với nhau, khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của các loại nông sản chủ lực.

“Dư án Trung tâm liên kết này có 10 chức năng chính, đó là: đầu tư vào phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ; cung cấp các dịch vụ công về hải quan; cung cấp dịch vụ hỗ trợ văn phòng cho thuê; kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu, tổ chức hội chợ triển lãm; các dịch về logictis; khu phi thuế quan; sản xuất chế biến nông sản và dịch vụ tư vấn, cuối cùng là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực”, ông Tùng cho biết thêm.

 


Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm