Tin tức - Sự kiện

Khuyến khích doanh nghiệp bằng cơ chế ưu đãi để tránh hình thức hóa báo cáo

DNVN - Nhận định còn nhiều rào cản trong kiểm toán báo cáo phát triển bền vững (PTBV), TS Trần Ngọc Hùng- Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh khuyến nghị cần khuyến khích doanh nghiệp (DN) bằng cơ chế ưu đãi để tránh hình thức báo cáo PTBV.

Thủ tướng: Hợp tác tiểu vùng tập trung 3 ưu tiên vì sự phát triển bền vững / Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

Tỷ lệ báo cáo PTBV có chất lượng còn thấp

Theo TS Trần Ngọc Hùng, nhằm gia tăng mức độ tin cậy, tính minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động, giúp DN nâng cao danh tiếng trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, việc lập và thuê kiểm toán báo cáo phát triển bền vững (PTBV) ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các DN niêm yết.

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó yêu cầu các công ty đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến PTBV. Việc công bố thông tin liên quan đến PTBV có thể được thực hiện bằng cách đưa vào báo cáo thường niên, hoặc lập riêng thành báo cáo PTBV.

Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù xây dựng và công bố nội dung PTBV là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty đại chúng, nhưng việc thực hiện kiểm toán đối với báo cáo PTBV lại đặt ra những thách thức cho DN.

Đáng chú ý, việc lập báo cáo PTBV đối với các công ty đại chúng là một khó khăn, nên chuyện thuê các công ty dịch vụ kiểm toán báo cáo PTBV là gần như chưa có tiền lệ, ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt tiên phong ký kết hợp đồng với PwC Việt Nam để tiến hành kiểm toán báo cáo PTBV từ năm 2016.

Tập đoàn Bảo Việt tiên phong ký kết hợp đồng với PwC Việt Nam để tiến hành kiểm toán báo cáo PTBV từ năm 2016.

TS. Trần Ngọc Hùng cho rằng, nếu việc kiểm toán cho báo cáo PTBV trở nên phổ biến sẽ đặt ra yêu cầu phải có những hướng dẫn liên quan từ các cơ quan ban ngành chính phủ về các điều kiện cần thiết đối với đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán, cũng như các quy chuẩn hướng dẫn về công bố thông tin trong báo cáo PTBV.

Trong 3 sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam hiện nay (sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh, sàn giao dịch TP Hà Nội và sàn giao dịch UpCom) thì điều kiện để niêm yết tại sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh áp dụng với các tổ chức niêm yết là tương đối khắt khe nhất, tuy nhiên lại là nơi dễ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế. Tính minh bạch và tuân thủ các quy định về kế toán - kiểm toán đòi hỏi các tổ chức niêm yết phải luôn cập nhật các chính sách kế toán để đảm bảo DN mình được đánh giá cao trong mắt nhà đầu tư tiềm năng.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, việc công bố các báo cáo PTBV phần nào làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư.

Tập trung phân tích một số doanh nghiệp trong Top 10 DN làm báo cáo PTBV tốt nhất năm 2020, ông Hùng cho rằng, bất chấp đại dịch COVID-19, các DN này đều vượt qua khủng hoảng thậm chí tăng trưởng tốt trong năm 2020.

Bên cạnh việc chú trọng lập báo cáo PTBV riêng, các DN này còn chủ động áp dụng các bộ chỉ số theo Bộ tiêu chuẩn GRI và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong năm 2020, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán: VNM) đã cam kết tiếp tục giữ vững động lực phát triển vì tương lai tốt đẹp – tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, tạo thêm nhiều giá trị cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH) tiếp tục áp dụng Bộ tiêu chuẩn lập Báo cáo PTBV mới nhất – GRI. Được triển khai độc lập và song hành cùng Báo cáo thường niên, cùng với việc thực hiện kiểm toán các chỉ tiêu tài chính bởi kiểm toán Ernst & Young, các chỉ tiêu phi tài chính trong báo cáo cũng được kiểm toán bởi Kiểm tra - Kiểm toán Nội bộ của Tập đoàn Bảo Việt.

Dựa trên các hệ thống quản lý theo dõi và đo lường, cũng như các báo cáo đã thực hiện, năm 2020, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG) tiếp tục xây dựng báo cáo PTBV dựa theo bộ tiêu chuẩn GRI mới nhất của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu (Global Reporting Initiative - GRI) kết hợp tham khảo thêm Hướng dẫn công bố thông tin Môi trường và Xã hội do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức IFC (International Finance Corporation) phát hành.

Tuy nhiên, khi mở rộng nghiên cứu các báo cáo PTBV của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, nhận định chung của TS Trần Ngọc Hùng là tỷ lệ báo cáo PTBV có chất lượng còn ở mức thấp, chỉ chiếm khoảng 10% qua các năm đánh giá. Mặc dù các chỉ tiêu cũng đã được công bố theo bộ tiêu chuẩn của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) và 17 mục tiêu PTBV của Liên Hợp quốc trong nhiều năm qua. Chủ yếu các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên sàn mới chú trọng về chất lượng thông tin công bố trong báo cáo PTBV.

Chất lượng của báo cáo PTBV không chỉ thể hiện ở chất lượng của các thông tin công bố, cách thức trình bày – tích hợp cùng báo cáo thường niên hay trình bày riêng trong báo cáo PTBV, mà còn thể hiện ở việc có hay không bên thứ ba cung cấp dịch vụ kiểm toán về các thông tin công bố.

Do chưa có yêu cầu bắt buộc các công ty đại chúng phải kiểm toán báo cáo PTBV, do đó tính minh bạch và tin cậy của các thông tin phi tài chính công bố ở báo cáo PTBV phần nào còn hạn chế khi đến với các nhà đầu tư.

Ngoài ra năng lực của bên thứ ba cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo PTBV cũng cần chú trọng, vì thực tế hiện nay hầu hết các dịch vụ này chủ yếu do các công ty kiểm toán lớn trong nhóm Big Four đảm nhiệm, và một phần các thông tin do các bên chuyên trách về chuyên môn có thể kiểm chứng, do vậy việc kết hợp kiểm toán loại hình báo cáo PTBV này còn nhiều khó khăn thách thức trong tương lai gần.

Khuyến khích doanh nghiệp bằng những cơ chế ưu đãi

Đưa ra giải pháp giúp nâng cao chất lượng báo cáo PTBV cho doanh nghiệp, TS Trần Ngọc Hùng khuyến nghị: Xu hướng đầu tư bền vững trên thế giới ngày càng được ưa chuộng, do đó việc công bố và tìm kiếm dịch vụ kiểm toán từ bên thứ ba về các thông tin phi tài chính công bố trong báo cáo PTBV là một điều kiện cần để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn FDI đến từ các quỹ ESG – quỹ đầu tư theo tiêu chí ESG (Enviromental – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị).

Cần khuyến khích DN bằng cơ chế ưu đãi để tránh hình thức báo cáo PTBV.

Để thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp (mà trước hết cụ thể là các công ty đại chúng) công bố thông tin PTBV một cách ngày càng chất lượng hơn (minh bạch và đáng tin cậy) cơ quan ban ngành chính phủ và các bên liên quan cần có những động thái rõ ràng.

Cụ thể, cần có cơ chế chấm và xếp hạng công bố báo cáo PTBV của tất cả công ty đại chúng hàng năm để có cơ sở tham chiếu, từ đó khuyến khích doanh nghiệp bằng những cơ chế ưu đãi về chính sách thuế, chính sách ưu đãi khi đầu tư cũng như khi tham gia đấu thầu. Một khi các doanh nghiệp nhận thấy những lợi ích cụ thể thì việc chú trọng nâng cao chất lượng báo cáo PTBV không còn mang tính hình thức nữa.

“Các công ty đang tham gia kiểm toán doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng cần quan tâm đến nhu cầu ngày càng hiện hữu rõ ràng của loại hình dịch vụ kiểm toán này nhằm chuẩn bị tốt về nguồn lực, vì hiện nay dịch vụ kiểm toán này chủ yếu đang do các công ty kiểm toán nhóm Big Four thực hiện”, TS Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm