Khuyến khích phát triển ngành lâm nghiệp theo chuỗi khép kín
Lâm nghiệp tự tin từ thành công 2019 / Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản ở Đắk Lắk ước đạt hơn 25.300 tỷ đồng
Theo GS Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện tồn tại ba nhóm thách thức chính đối với phát triển kinh tế rừng hiện nay.
Trước hết là vấn đề tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế ngành. Trước đây, chúng ta chưa rõ về con đường phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng và cải thiện sinh kế bền vững. Chưa nhận thức rõ sức sống của kinh tế rừng là chuỗi giá trị vận hành theo cơ chế thị trường. Chưa hình dung rõ nét về mô hình của ngành kinh tế - kỹ thuật tích hợp đa mục đích, tối ưu hiệu quả và ích lợi.
Đây là thách thức không dễ vượt qua trong quá khứ, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra "độ trễ" của các chính sách trong phát triển kinh tế rừng.
Tiếp đó là rào cản về kinh tế, xã hội và tự nhiên ở vùng rừng núi. Phát triển kinh tế rừng thường diễn ra ở nơi chậm phát triển, khó tiếp cận, yếu cả về thế và lực. Từ vùng núi, trung du, cao nguyên đến vùng ven biển và hải đảo đều chịu nhiều sức ép nảy sinh trong quá trình phát triển nông thôn và đô thị hóa. Các hiện tượng bất lợi và dị thường của thiên nhiên cùng với suy thoái tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn và lâu dài cho phát triển kinh tế rừng.
Cùng với đó là thách thức về hiệu quả của phát triển kinh tế rừng chậm, được biểu hiện trong khi tính bền vững thường mong manh và rủi ro khá cao. Năng suất rừng trồng còn thấp, hiện chỉ đạt bình quân 15-18 m3/ha/năm (bằng khoảng 50-60% so với tiềm năng). Lợi nhuận từ rừng trồng keo, bạch đàn với tuổi khai thác 6-8 năm chỉ đạt 7-12 triệu đồng/ha/năm, chưa tính đến chi phí có thể gây ra suy thoái đất.
Nhiều trường hợp giá thành cao hơn giá bán, nên không có lãi. Chuỗi giá trị lâm sản còn yếu về tiềm lực, thấp về hiệu quả, lỏng về liên kết và mất cân bằng về lợi ích. Công nghệ chế biến lâm sản còn hạn chế, cơ cấu thị trường lâm sản chưa hợp lý. Một số loại dịch vụ môi trường rừng chưa được khai thác thành nguồn thu cho đầu tư phát triển rừng.
Để kinh tế dưới tán rừng phát triển, đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước, tương xứng với tiềm năng của rừng và đất rừng đặc biệt đối với những tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, GS Phạm Văn Điển nhấn mạnh cần đổi mới tổ chức quản lý ngành, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương, cải cách hành chính và đổi mới chính sách phù hợp, kịp thời bảo đảm cho người dân ở trong và gần rừng thu nhập ổn định từ diện tích đất lâm nghiệp của mình.
Sự kiện Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt “Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025” ngay trong những ngày đầu Xuân mới Nhâm Dần đã tạo kỳ vọng mới để vượt qua những rào cản mà GS Phạm Văn Điển đưa ra.
Theo đó, để hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2025 tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định ở mức 42%, “Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025” đã nhấn mạnh 7 giải pháp.
Một trong những giải pháp quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp là nâng cao hiệu quả hoạt động, tổ chức sản xuất kinh doanh; phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, chia sẻ trong lâm nghiệp; phát triển sản xuất kinh doanh đa dạng, gắn trồng rừng với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị.
Tổng cục Lâm nghiệp khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư theo chuỗi khép kín vào ngành lâm nghiệp và hỗ trợ, dẫn dắt người dân sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản, sử dụng phế phụ phẩm từ chế biến gỗ, sản xuất keo dán gỗ và phụ kiện cho công nghiệp chế biến gỗ.
Cùng với đó là khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng rừng bền vững, chế biến sâu các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường, đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi; xây dựng và phát triển thương hiệu gỗ Việt.
Những giải pháp này được xem như những bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, mở ra cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp theo chuỗi khép kín vào ngành lâm nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo