Lâm nghiệp tự tin từ thành công 2019
Bất động sản công nghiệp: Chuyên gia nêu 5 nhóm vấn đề đang được giới đầu tư quan tâm / Cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có những chia sẻ về tiềm năng và cơ hội của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong những năm tới.
Năm 2019 được đánh giá là năm thành công của ngành lâm nghiệp với rất nhiều kỷ lục mới được xác lập. Nhìn lại những kết quả đó, theo ông, đâu là những điểm nhấn ấn tượng?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Năm 2019, chưa bao giờ biến đổi khí hậu lại khắc nghiệt đến vậy, với 300 vụ cháy rừng xảy ra, làm thiệt hại 2.000 ha, lớn nhất trong 5 – 7 năm qua.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có tác động rất lớn đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ khi đã có sự dịch chuyển lớn của một số sản phẩm, nguyên liệu, thậm chí là nhà máy từ nơi khác vào Việt Nam, mạo danh thương hiệu gỗ Việt để “né thuế".
Tuy nhiên, nhờ sự đầu tư của Nhà nước vào ngành nông nghiệp ngày càng trọng tâm, trọng điểm cùng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người trồng rừng, ngành lâm nghiệp đã đạt được những con số rất có ý nghĩa.
Thứ nhất, trong lĩnh vực xây dựng văn bản pháp luật, tuy số lượng không nhiều như năm 2018 (năm phải ban hành tổng thể các văn bản khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực) nhưng năm 2019 cũng có 2 nghị định, 3 thông tư ra đời đã góp phần làm tốt việc bảo vệ, phát triển rừng, nhất là trong bối cảnh năm 2029, nhiều vụ cháy rừng xảy ra, trong khi chế độ phòng cháy chữa cháy rừng có những chỗ chưa hợp lý.
Chính vì vậy, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành thông tư quy định công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hình thức ra sao, huy động lực lượng như thế nào, chế độ cho người tham gia phòng cháy chữa cháy thế nào cho hợp lý.
Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, dù đã có quy định rõ thẩm quyền, chức năng của các cấp nhưng quá trình thực hiện vẫn có vướng mắc nên Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng dự thảo nghị định về vấn đề này, đang trình Chính phủ xem xét.
Thứ hai, đối với tỷ lệ che phủ rừng 41,2%, tăng 0,2% so với năm 2017, tương đương 70.000 ha rừng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường, thể hiện quyết tâm lớn, được quốc tế đánh giá cao. Ngành lâm nghiệp xác định, con đường ngắn nhất để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là phát triển rừng và sẽ ưu tiên cho công tác này, phấn đấu đến năm 2020, độ che phủ rừng đạt 42%.
Thứ ba, con số tăng trưởng của ngành lâm nghiệp năm 2019 đạt 5%, dù chúng tôi luôn mong muốn con số phải cao hơn thế nhưng đây cũng là một nỗ lực rất lớn và cực kỳ có ý nghĩa.
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 2,2%, thậm chí một số lĩnh vực tăng trưởng âm do những tác động bất lợi, ngành lâm nghiệp vẫn đạt 5%, đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của ngành.
Bên cạnh đó, công tác phát triển rừng năm 2019 cũng đạt được kết quả khả quan khi diện tích rừng trồng đạt 240.000 ha, trong đó có 220.000 ha là rừng khai thác, rừng sản xuất, 10.000 ha là rừng phòng hộ. Điều này cho thấy, trong chiến lược, định hướng trồng rừng đã có thay đổi, không chỉ "bóc ngắn, cắn dài" mà có kế hoạch khai thác đến đâu trồng đến đó. Trồng theo quy hoạch, căn cơ, bài bản, ứng dụng khoa học công nghệ tốt hơn, tính đến rừng gỗ lớn, đưa các giống công nghệ cao vào trồng và có liên kết với doanh nghiệp.
Thứ tư, con số kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 đạt 11,3 tỷ USD. Có câu hỏi đặt ra là, trong thành tích chung hân hoan như vậy, nông dân được lợi nhiều không? Tôi xin khẳng định, nông dân là đối tượng được hưởng lợi lớn. Bởi trong cấu thành giá sản phẩm có 35% dành cho nguyên liệu, điều này người trồng rừng được hưởng; 20% dành cho lao động; 20% cho nguyên liệu phụ trợ; 15% dành cho thương hiệu, mẫu mã. Vì vậy, trong con số 11,3 tỷ USD, người trồng rừng được hưởng lợi đáng kể.
Hiện, ngành lâm nghiệp có 1.600 doanh nghiệp chế biến gỗ, tạo việc làm cho 500.000 lao động, ngành này phát triển cũng kéo theo hàng loạt lĩnh vực khác phát triển theo. Điều đáng chú ý là, giá trị xuất khẩu tăng 20% nhưng nguyên liệu nhập khẩu không đáng kể, có nghĩa nguồn nguyên liệu trong nước đã và đang đáp ứng tốt. Đây chính là kết quả của nhiều năm người trồng rừng bền bỉ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Phát triển giống cây lâm nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành Lâm nghiệp - Ảnh:VGP/Đỗ Hương |
Đúng là những con số vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2019 ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thương mại. Vậy theo ông đâu là nền tảng làm nên thành công này?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Có một điều thuận lợi là, chưa bao giờ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ nhận được sự quan tâm như thế từ Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT.
Năm 2019, chúng tôi đã tổ chức thành công Hội nghị về chế biến xuất khẩu gỗ do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đây chính là đòn bẩy thúc đẩy tăng giá trị lâm sản xuất khẩu. Ngoài ra, còn hàng loạt các hội nghị, hội thảo do lãnh đạo Chính phủ, Bộ NN&PTNT chủ trì, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt của doanh nghiệp, khơi thông thị trường, từ đó làm nên thành công của ngành.
Năm 2019 cũng đánh dấu sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp khi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam – EU (VPA/FLEGT) chính thức có hiệu lực ngày 1/6/2019, mở ra tiềm năng, cơ hội cho ngành gỗ, đồng thời định hướng cho sự phát triển của ngành theo hướng bền vững, minh bạch về nguồn gốc gỗ.
Năm 2019 cũng là năm tạo tiền đề để chúng ta hướng tới tự cấp chứng chỉ rừng bền vững khi trở thành nước thứ 50 gia nhập Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC). Đến nay, đã có 11.000 ha rừng được cấp chứng chỉ theo hệ thống này.
Bước sang năm 2020, ngành lâm nghiệp tiếp tục đặt ra cho mình những kỷ lục mới, với kim ngạch xuất khẩu 12,5 tỷ USD. Làm thế nào để mục tiêu này thành hiện thực, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Năm 2020, ngành lâm nghiệp tiếp tục phấn đấu đưa độ che phủ rừng lên con số 42%, kim ngạch xuất khẩu lâm sản 21,5 tỷ USD trở lên; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 5 – 5,5%.
Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách (3 nghị định, 1 thông tư) để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nút thắt của doanh nghiệp để tháo gỡ, đồng hành cùng những doanh nghiệp chân chính vì mục tiêu phát triển chung của ngành chế biến gỗ. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, quản lý; cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp những quy định mới của các nước có giao thương, tăng cường mở rộng thị trường mới. Tổ chức tốt việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT để đến đầu năm 2021 có lô hành đầu tiên được cấp giấy phép FLEGT khi xuất khẩu gỗ vào EU. Khi đó, con đường của gỗ Việt đến với EU sẽ hoàn toàn rộng mở.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, quản lý nghiêm việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tham mưu với Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ra nghị định chặn tất cả những việc làm sai trái, việc chuyển đổi mục đích phải theo đúng Luật Lâm nghiệp.
Năm 2020, chúng tôi cũng sẽ có nhiều sự kiện lớn, dự kiến trong tháng 3/2020 Thủ tướng sẽ trực tiếp chủ trì hội nghị về xúc tiến xuất khẩu gỗ tại TPHCM; tháng 2 sẽ tổ chức Tết trồng cây Xuân Canh Tý; tháng 8 tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm thành lập ngành lâm nghiệp; ngoài các hội thảo, hội chợ, lần đầu tiên, một số hạng mục trong khu lâm nghiệp công nghệ cao sẽ được khánh thành tại Nghệ An.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Giá nông sản ngày 5/11/2024: Cà phê tiếp tục giảm, hồ tiêu giữ giá